Anh Trần Văn Soát (quê ở Thái Bình), sau một số năm buôn bán rau tại các điểm lẻ trong TP đã mua được căn nhà ổn định cuộc sống. Ảnh: Trần Oanh |
Những câu chuyện đổi đời
“Giúp việc gia đình - nghề có giá” là câu chuyện của chị Hà Thị Thanh. Chồng bỏ, chị Thanh một mình cày cấy 7 sào ruộng. Nhưng ở vùng đất trung du Phú Thọ, một năm chỉ trồng được một vụ lúa, chị phải vắt kiệt sức để lao động nuôi con trong mười năm trời... Thế rồi qua một người bạn mách mối, năm 1994, chị xuống Hà Nội làm nghề giúp việc. Do mặc cảm, tự ti về nghề giúp việc gia đình nên thời gian đầu chị Thanh giấu mọi người, chỉ nói là đi làm việc ở Hà Nội. Nhưng giờ đây, với chị, giúp việc gia đình là nghề có giá, thu nhập cao hơn hẳn so với làm nông nghiệp ở quê. Sau gần 25 năm đi làm, từ hai bàn tay trắng, chị Thanh đã tích cóp xây dựng được một căn nhà rộng rãi, khang trang và còn đầu tư được một quán cà phê cho con dâu.Đổi đời nhờ công việc bán xôi vỉa hè là chuỗi hành trình của chị Lê Thị Xuyến - lao động di cư từ Hưng Yên lên Hà Nội. Ở quê, hai vợ chồng chị Xuyến vất vả làm ruộng chỉ mong đủ tiền nuôi hai con ăn học. Anh chị đã vay nặng lãi để đầu tư vào mấy sào ngô, thước lúa nhưng đến vụ thu hoạch thì “ngô sạch bắp, lúa chuột phá trắng đồng”. Thế rồi chị Xuyến lên Hà Nội bán xôi vỉa hè, gửi tiền về cho chồng con. Sau 3 năm tìm hiểu vài mối hàng, chị Xuyến chuyển sang bán quần áo rong ruổi khắp các chợ trong quận Hoàng Mai. Nhờ chăm chỉ làm ăn và tích cóp được một số tiền, chị Xuyến bàn với chồng chuyển cả nhà lên Hà Nội để con trai có điều kiện học tốt hơn. Nhìn mảnh đất mới mua ở Hà Nội, xây căn nhà rộng 22m2, chị tự hào: “Hành trình mưu sinh tuy gian nan nhưng đã thu hoạch được những trái ngọt”…Chị Thanh, chị Xuyến chỉ là 2 trong hàng chục câu chuyện của những người lao động di cư đang làm việc ở khu vực phi chính thức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được Mạng lưới Hành động vì lao động di cư - Mnet nghiên cứu, khảo sát vào cuối năm 2017 dựa trên một số tiêu chí nhất định. Đóng góp cho gia đình và xã hộiTS Trần Thị Hồng - đại diện nhóm nghiên cứu thông tin về kết quả nghiên cứu cho thấy, lao động di cư đã có những đóng góp về kinh tế, cụ thể là tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Với mức thu nhập dao động 4 - 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào từng công việc, người di cư có nguồn thu nhập cao hơn đáng kể so với trước đó làm nông nghiệp, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và dần dần có tích lũy tài sản.Dưới góc độ xã hội, người lao động di cư ngày càng nhận thức tốt hơn về giá trị bản thân cũng như công việc của mình. Về mặt vật chất, thu nhập từ công việc lao động ấy là nguồn kinh phí dành cho các thành viên trong gia đình được tiếp cận với giáo dục như đi học đại học, tham gia đào tạo nghề, học ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, đa phần các gia đình lao động di cư đều được cải thiện về dinh dưỡng, nâng cao chăm sóc sức khỏe nhờ thay đổi nhận thức và kinh tế. Bình đẳng giới trong gia đình lao động di cư cũng được cải thiện. Ngoài ra, lao động di cư góp phần vào quá trình chuyên môn hóa nghề nghiệp trong xã hội với sự phát triển đội ngũ lao động giúp việc gia đình, thu gom rác, xe ôm… “Tuy nhiên, do trình độ học vấn thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, hạn chế hiểu biết pháp luật… nên lao động di cư gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm bền vững”- TS Trần Thị Hồng nhận định.