Là một trong 3 chương trình nhà ở trọng điểm được Chính phủ chỉ đạo, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhận được sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành, địa phương. Nhờ đó, hàng triệu người dân ĐBSCL đã có điều kiện để “an cư, lạc nghiệp”.
Trong ngôi nhà mới rộng gần 80m2 được xây kiên cố, khang trang, chú Huỳnh Văn Hòng (cụm dân cư vượt lũ Mỹ Khánh 2 thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bồi hồi nhớ lại: “Hồi còn ở bến đò Hưng Xây, cứ đến tháng 8, vào độ lũ về là nơm nớp lo nền nhà bị lở. Có những đêm tỉnh dậy thấy bên kia sông nhiều nhà dân đã không còn. Riêng gia đình tôi đã 6 lần mất nhà vì lở đất, đồ đạc trong nhà cũng theo đó mà cuốn theo lũ”.
Sau 6 năm triển khai chương trình cụm, tuyến nhà vượt lũ ĐBSCL đợt 2, 49.540 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình đã được đảm bảo an toàn nhà ở trong các cụm, tuyến và bờ bao (đạt 88%). Những ngôi nhà khang trang không chỉ giúp các hộ nghèo đảm bảo điều kiện sinh sống an toàn, ổn định nhất là trong mùa mưa lũ mà còn giúp họ an tâm sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững. Cô Châu Thị Thới (54 tuổi), ở cụm tuyến dân cư vượt lũ Vĩnh Lợi 2 (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) phấn khởi cho biết: “Trước kia, khi lũ về, gia đình tôi phải ở nhờ nhà bà con. Con cái không cho đi học được vì sợ lũ cuốn. Bây giờ thì khác, an cư lạc nghiệp, tôi vừa buôn bán, vừa nuôi bò, cho con đi học đàng hoàng…”.
Với diện tích 40.000km2, dân số khoảng 17 triệu người, đóng góp 16% GDP cho đất nước, 90% sản lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản cho xuất khẩu của cả nước, ĐBSCL là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, là vùng thường xuyên úng ngập do lũ, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn nên để chung sống với lũ một cách an toàn, ổn định và phát triển bền vững, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân vì mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bà Phạm Đăng Thân - Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong kể, khi chưa có cụm tuyến dân cư vượt lũ, tình trạng trẻ con đuối nước thường xuyên xảy ra. Cuộc sống của bà con cũng cơ cực hơn vì mải chạy lũ nên không làm ăn được gì. Nay thì lũ về, bà con không còn lo chạy lũ, sập nhà, con trẻ bị đuối nước nữa, nhờ có đê quai nên không lo mất mùa, còn có thể tăng thêm vụ, năng suất chắc chắn sẽ tăng lên…
Sự đổi đời của người dân nhờ chương trình này đã rõ nên việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuần trước đồng ý kéo dài giai đoạn 2 của chương trình này, đến năm 2020 đã nhận được sự ủng hộ của Nhân dân trong khu vực ĐBSCL. Hy vọng rằng, chương trình sẽ giúp người dân vùng ĐBSCL không còn phải phập phồng sống trong nỗi lo chạy lũ, được sinh sống trong môi trường an toàn và hưởng những dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, văn hóa…
Kinhtedothi - Diện mạo mới của nhiều nơi ở nông thôn ĐBSCL giờ đây nhờ nhà vượt lũ. |