Chưa thống nhất đối tượng điều chỉnh
Theo ông Nguyễn Công Bằng, Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT (đơn vị lập đề án), việc thay đổi giờ đã được tính toán một cách khoa học và hợp lý để vừa không ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, không xáo trộn sinh hoạt gia đình, đặc biệt đảm bảo giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. "Đề xuất đổi giờ hiện nay trên cơ sở cách nhau một giờ trên cùng một hướng và dựa trên đối tượng điều chỉnh (gồm 9 đối tượng: cán bộ công chức cơ quan T.Ư, Hà Nội; học sinh mầm non, tiểu học, trung học; học sinh trung học phổ thông, sinh viên các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà trưng; trung tâm kinh doanh, thương mại)" - ông Bằng cho hay.
Cũng theo ông Bằng, đối với các trường đại học tại các quận, Vụ đã khảo sát và nhận thấy hầu hết các trường học vào 7 giờ, mỗi ca từ 4 - 5 tiếng. Ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược (Bộ GTVT) cũng cho rằng, cần điều tiết lại giờ học của sinh viên, ca sáng từ 7 giờ, ca chiều đến 17 giờ. "Hầu hết sinh viên đi thuê trọ đều ở gần trường nên để vào thành nhóm cùng một giờ sẽ tránh được sự chồng chéo" - ông Mười nói.
Tuy nhiên, trước đề xuất của Bộ GTVT, đại diện các sở, ngành của Hà Nội lại có những ý kiến băn khoăn về việc triển khai đề án. Ông Nguyễn Chí Dũng, Sở GD&ĐT phân tích, từ lớp 2 đến lớp 5 tỷ lệ trái tuyến trung bình dưới 12 - 13%, các huyện gần như không có trái tuyến. Chỉ những gia đình có con đi học trái tuyến, trái quận mới phải thường xuyên đi lại trên các trục chính, còn đa số học sinh thuộc các quận nội thành theo học đúng tuyến không phải là nhân tố chính gây tắc đường. Do đó, theo ông Dũng, để có thể đưa ra quyết định chính xác, phù hợp, các chuyên gia nên khảo sát cụ thể về số lượng học sinh hàng ngày phải tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Thay đổi giờ nên gộp thành 4 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất, nên gộp cán bộ công chức cơ quan TƯ, công chức Hà Nội và bậc mầm non, tiểu học. Nhóm thứ hai là học sinh trung học; Nhóm thứ 3 là sinh viên và nhóm thứ 4 là trung tâm kinh doanh. Đối với cán bộ công chức Trung ương và Hà Nội thì nên bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc 18 giờ. Đối với mầm non và tiểu học nên bắt đầu sớm hơn 30 phút để bố mẹ có thể đưa con đi học rồi đi làm là vừa, chứ không nên để giãn cách hẳn một tiếng. Riêng bậc trung học, nên bắt đầu từ 7 giờ 30. Ông Trần Quốc Toản Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng - (Bộ GTVT) |
Đại diện Sở Nội vụ lại đặt vấn đề: Dự thảo chưa thấy nhắc đến các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp tư nhân, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài. Vậy đối với các đối tượng này thì điều chỉnh thế nào? Do đó, cần phải khảo sát kỹ hơn nữa. Đại diện Sở Công Thương băn khoăn: Vào 18 - 19 giờ, người dân đi mua hàng mới đông, chứ không phải đầu giờ sáng. Còn quy định mở đến 23 giờ 30 là hơi muộn. Giờ mở cửa không ảnh hưởng, nhưng giờ đóng cửa không nên quy định là 23 giờ vì lúc đấy không còn ai đi chợ.
Thí điểm thay đổi giờ với nhóm đối tượng sinh viên
Theo ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường - (Bộ GTVT), hiệu ứng điều chỉnh giờ không chỉ tác động đến các đối tượng điều chỉnh mà còn tác động đến rất nhiều thành phần khác. Thay đổi giờ học, giờ làm có lợi cho vận tải công cộng. "Các loại xe phục vụ công, như xe đưa đón cán bộ công nhân viên nên tận dụng để vận chuyển các nhóm đối tượng khác khi có nhu cầu nhằm giảm lượng xe trên đường" - ông Hùng đề xuất. Ông Hùng cũng đề nghị phải có sự kết hợp giữa các ngành, không nên đổ hết lên đầu ngành giao thông, cảnh sát giao thông. Các trung tâm kinh doanh thương mại cũng phải có nhiệm vụ phân luồng giao thông tại địa bàn đơn vị mình nhằm giảm áp lực cho lực lượng chức năng. "Cho đến bây giờ chưa ai có thể trả lời ngay được câu hỏi về mức độ thành công này nhưng đây là giải pháp cần thiết" - ông Hùng chia sẻ.
Kết thúc hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đổi giờ học, giờ làm là một trong 7 nhóm giải pháp của thành phố nhằm giảm UTGT. Dù điều chỉnh thế nào đều xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, được nhân dân ủng hộ là chính sách đúng và ngược lại, cho nên phải nghiên cứu cho hợp lý mà không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân là tốt nhất. "Trước mắt sẽ thí điểm thay đổi giờ học, giờ làm của nhóm đối tượng sinh viên và trung tâm thương mại. Vì đây là lực lượng tự lập, tự chủ khi đi lại nên không chịu ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi giờ học, giờ làm" - ông Hùng nói. Ông Hùng cũng cho biết thêm, dự thảo này sẽ được các ban, ngành tổng hợp, có ý kiến vì đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến nhiều thành phần và cuộc sống người dân. Do vậy khi hoàn thành sẽ trình UBND TP trong ngày 28/10.
Điều đáng nói là trong khi Bộ GTVT đều cử lãnh đạo các Vụ, Cục đến dự họp, thì đại diện cho một số sở, ngành của Hà Nội chỉ là các trưởng phòng. Kết thúc cuộc họp, Sở GTVT Hà Nội đã phải đề nghị các các sở, ban ngành, gửi đóng góp thêm ý kiến bằng văn bản về Sở trước ngày 28/10, để Sở tập hợp trình thành phố. Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng đã nhận khuyết điểm vì không thể trình báo cáo tổng hợp cũng như đề xuất phương án vào ngày 25/10 theo như chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. |