Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi giờ học, giờ làm tại Hà Nội: Hạn chế thấp nhất những xáo trộn lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã làm việc với các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội về phương án đổi giờ học, giờ làm việc và kinh doanh, để hạn chế UTGT trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Theo phương án UBND TP Hà Nội trình Chính phủ, việc đổi giờ sẽ chỉ diễn ra ở 10 quận và 2 huyện là Thanh Trì và Từ Liêm. TP Hà Nội xác định 3 nhóm để đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm: Nhóm một, gồm cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Trung ương và Hà Nội; học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, giờ học và giờ làm được giữ nguyên khung giờ hiện tại, bắt đầu từ 8 giờ đến 17 giờ. Nhóm hai, gồm học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT, buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ, buổi chiều kết thúc vào 18 giờ. Nhóm ba là Trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị mở cửa từ 9 giờ và đóng cửa sau 22 giờ. Trong khi đó, phương án của Bộ GTVT có điểm khác biệt là áp dụng trên toàn thành phố; giờ làm của công chức cơ quan Trung ương từ 9 giờ đến 18 giờ, công chức Hà Nội làm từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30...
 

Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhất trí với chủ trương điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh thương mại trên địa bàn do UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đề xuất. Nhiều đại biểu cho rằng, trong khi các giải pháp về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đang trong giai đoạn hoàn thiện, thì giải pháp trước mắt thay đổi, giãn giờ học, giờ làm việc và kinh doanh thương mại là cần thiết, nhằm chống UTGT.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, hoàn thiện phương án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học và hoạt động kinh doanh thương mại tại 10 quận, 2 huyện hợp lý, hiệu quả nhất để trình HĐND TP xem xét, thông qua. Phó Thủ tướng nêu rõ, để góp phần giảm UTGT, phương án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học và hoạt động kinh doanh đưa ra là cần thiết. Tuy nhiên, các phương án đưa ra phải hợp lý và khả thi hơn nữa, cần hạn chế thấp nhất việc gây xáo trộn lớn cho nhân dân. Phó Thủ tướng đề nghị, TP Hà Nội, các bộ, ngành Trung ương cần quán triệt tới cán bộ, công chức về chủ trương thay đổi giờ làm việc và học tập nhằm giảm UTGT. TP Hà Nội cần sớm tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan để thống nhất việc điều chỉnh thời gian học tập, làm việc, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả và khả thi nhất. Các phương tiện truyền thông đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Một số đề xuất mới nhất về điều chỉnh giờ học, làm việc

Bộ Công an đề xuất chia làm 4 nhóm: Sinh viên, học sinh phổ thông: 6 giờ 30 - 18 giờ 30; Học sinh mầm non, tiểu học và THCS: 8 giờ - 17 giờ 30; Cán bộ công chức Trung ương và Hà Nội: 8 giờ 30 - 17 giờ; Trung tâm kinh doanh thương mại: 9 giờ - 23 giờ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chia 5 nhóm: Sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp: 6 giờ 30 - 18 giờ 30; Học sinh THCS, THPT: 7 giờ - 17 giờ 30; Học sinh mầm non, tiểu học: 8 giờ - 17 giờ 30; Cán bộ công chức Hà Nội: 8 giờ - 16 giờ 30; Trung tâm thương mại: 9 giờ 30 - 23 giờ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất chia 3 nhóm: Công chức, viên chức, học sinh các trường tiểu học mầm non: 8 giờ - 16 giờ 30; Học sinh THPT, ĐH và THCN: 7 giờ - 17 giờ 30; Trung tâm kinh doanh thương mại: 9 giờ - 21 giờ 30.