Lời lỗ phải theo thực nhập
Giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đã liên tục giảm suốt từ ngày 20/7 (ngày giá xăng dầu trong nước được các DN kinh doanh xăng dầu trong nước tăng giá) đến nay. Theo đó, sau khi tăng lên mức 118,15 USD/thùng vào ngày 20/7, giá xăng dầu trên thị trường này đã lần lượt quay về mức 114,75 USD/thùng vào ngày 23/7 và mức 113 USD/thùng vào 26/7. Tuy nhiên, một số DN đầu mối vẫn kêu lỗ vì cho rằng, mức tăng giá đợt vừa qua không đủ chi phí nên đang tính chuyện xin điều chỉnh tiếp.
Từ đầu tháng 7, Bộ Tài chính đã cho phép DN được quyền quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá như đã quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Sẽ không có gì tranh cãi nếu mấu chốt vấn đề nằm ở tính minh bạch thông tin được giải quyết.
Theo các chuyên gia kinh tế, không thể kết luận DN lãi hay lỗ để đưa ra quyết định tăng - giảm giá khi chỉ dựa theo giá trung bình tại thị trường Singapore mà phải theo giá nhập khẩu thực tế của DN đầu mối. Nhập ở thời điểm nào, số lượng nhiều hay ít là do DN nhập khẩu chủ động. Giới kinh doanh xăng dầu thừa nhận, DN sẽ không nhập ồ ạt ở thời điểm giá đang có xu hướng lên. Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu giảm liên tục trong tháng 6. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thời điểm này, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là gần 1,1 triệu tấn, trị giá gần 951 triệu USD, tăng 29,6% về lượng và tăng 17,3% về trị giá so với tháng 5/2012. Trong khi nửa đầu tháng 7, giá nhích lên, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu giảm 147 triệu USD.
"Việc minh bạch giá bán lẻ xăng dầu, công khai lỗ lãi trong DN là những đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng. Khi các yếu tố mập mờ còn tồn tại trong công thức tính giá, hạch toán lỗ lãi thiếu minh bạch thì dù chỉ trả vài trăm đồng, người tiêu dùng vẫn có quyền thắc mắc" - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sòng phẳng với người tiêu dùng. Ảnh: Việt Linh
Xem nhẹ quyền lợi người tiêu dùng
Sự thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các DN xăng dầu, cũng như thiếu minh bạch trong cơ cấu giá xăng là lý do khiến chuyện tăng - giảm giá xăng, được gọi là theo cơ chế thị trường, không đủ sức thuyết phục người dân.
Dưới góc độ điều hành, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ căn cứ trên 3 lợi ích: Ngân sách - DN - người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, ngay cả cái gọi là quyền lợi hình tam giác này vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét lại. Một khi có quyền trong tay, các DN chiếm thị phần thống lĩnh có thể khống chế về giá cả. Thậm chí, họ có thể lợi dụng vị thế của mình găm hàng hoặc liên kết với nhau để tăng giá, lũng đoạn thị trường. Điều quan trọng nhất là phải bảo vệ, tăng thêm quyền lực cho người tiêu dùng.
Ý định xin tăng giá xăng lần này chỉ có các DN nhỏ. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Trần Ngọc Năm cho biết, Petrolimex chưa có ý kiến điều chỉnh giá xăng dầu. Vì theo Nghị định 84, thời gian điều chỉnh quy định là 10 ngày. Tuy nhiên, ông Năm cho hay, mặc dù giá thế giới sau ngày 20/6 giảm 2 - 3 USD mỗi thùng nhưng so sánh giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ hiện hành. Một lãnh đạo DN xăng dầu cũng cho biết, hiện nay các DN nhỏ chịu lỗ lớn. DN của ông chưa có ý định xin điều chỉnh giá xăng dầu mà "vẫn cứ để thế đã".
Khi thông tin này được đưa ra, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đây là một mũi tên trúng nhiều đích, các DN nhỏ vừa xin tăng giá lại vừa muốn xóa tan nghi ngờ về đợt tăng giá đồng loạt 400 đồng ngày 20/7 vừa qua, về khả năng bắt tay làm giá, cùng tăng nhanh giảm chậm... đã được dư luận đặt ra những ngày qua, một cách cho thấy thị trường xăng dầu đã có sự cạnh tranh hơn?
"Tuy giá bán lẻ trong nước không thả lỏng hoàn toàn, song rõ ràng Nhà nước đang tăng thêm quyền hạn cho DN. Điều chỉnh giá theo thị trường sẽ khiến giá cả vận hành "chuẩn" hơn, nhưng nếu làm không khéo sẽ gây tác dụng ngược và hơn ai hết người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu". - Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư |