Do đó, giá trị gia tăng thật sự của ngành hàng này thấp, đòi hỏi cần có những thay đổi cơ bản trong thời gian tới trước áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Chưa chú trọng phát triển thương hiệu
Ngành công nghiệp may mặc Hà Nội đang có nhiều lợi thế riêng biệt: Vốn đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, thu hút nhiều lao động. Đây cũng là ngành công nghiệp có nhiều điều kiện để mở rộng thị trường trong và ngoài nước với sự tham gia của nhiều loại hình DN và thành phần kinh tế. Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 500 DN may, thu hút trên 60.000 lao động, bao gồm cả DN có vốn Nhà nước, DN dân doanh và DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cùng tham gia. Các DN thuộc nhóm dẫn đầu ngành may Hà Nội là May 10, May Đức Giang, May Hồ Gươm, May Chiến Thắng… là các DN Nhà nước cổ phần hóa đang đạt quy mô doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Hà Nội còn có trên 30 DN may đã đạt quy mô sản xuất trên 100 tỷ đồng doanh thu/năm, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh sôi động cho ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, việc cạnh tranh hiện nay phần lớn mới chỉ dừng lại ở những đơn hàng gia công dưới nhãn hiệu các thương hiệu nước ngoài. Chưa có nhiều thương hiệu riêng cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng nhiều năm qua, thị trường nội địa vẫn bỏ ngỏ cho hàng dệt may Trung Quốc.
Việc tạo ra thương hiệu riêng là vô cùng quan trọng, tuy nhiên dường như nhiều DN may Hà Nội còn rất lúng túng trong phát triển thương hiệu. Hậu quả là DN phải chịu thua thiệt không đáng có trên thương trường. Thậm chí, số liệu khảo sát mới đây của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, có nhiều DN dệt may trên địa bàn TP vẫn chưa biết, chưa hiểu đúng về chiến lược thương hiệu. Số DN thực sự bắt tay vào làm chiến lược thương hiệu là rất ít, kết quả cũng chưa rõ. Các hoạt động hỗ trợ thương hiệu cụ thể, từ việc xây dựng tên gọi, logo, slogan, các chương trình quảng cáo, xúc tiến thương mại… không được làm bài bản, chuyên nghiệp và nhất quán, số DN may có website riêng còn thấp. Mặc dù gần đây, nhiều DN may Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn đến marketing, tuy nhiên cũng mới thể hiện ở việc tham dự các hội chợ, triển lãm. Chính vì thế, tại Hà Nội, mới duy nhất có sản phẩm May 10 được bình chọn là thương hiệu may quốc gia, trong khi TP Hồ Chí Minh có tới 5 thương hiệu may được bình chọn là: Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, An Phước, Thái Tuấn. Một hạn chế nữa là các DN chưa quan tâm đến bảo hộ nhãn hiệu. Nên khi nhãn hiệu bị xâm phạm thì phải mất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để khắc phục nhưng kết quả không được như ý.
Tự hoàn thiện mình
Thực tế trong thời gian qua, một số DN đã thu được những kết quả khả quan khi chuyển mạnh sang phương thức sản xuất mua nguyên liệu, bán sản phẩm. Cùng với những định hướng nhằm hỗ trợ ngành hàng dệt may, nhiều chính sách của TP đã chú trọng nhiều hơn về phát triển theo chiều sâu, đa dạng hóa mẫu mã, kiểu dáng và nâng cao chất lượng. Chính vì thế, các công đoạn lâu nay còn yếu kém như nghiên cứu phát triển (R&D), thiết kế, may thời trang, phát triển kiểu dáng mẫu mã mới, phát triển hệ thống phân phối… cũng đã bước đầu có tiến bộ đáng kể. Chú trọng đến xuất khẩu nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội trên thị trường nội địa đang góp phần giúp hàng dệt may made in Vietnam của các DN may Hà Nội ngày càng nhận được sự tín nhiệm cao của người tiêu dùng trong nước so với rất nhiều sản phẩm nhập khẩu.
Về lâu dài, ngành dệt may vẫn được xem là ngành công nghiệp quan trọng của Hà Nội. Tuy nhiên, ngành này đang chịu nhiều áp lực để cơ cấu lại sản phẩm và cấu trúc lại DN. Định hướng mới cho ngành công nghiệp này là phải hướng tới các sản phẩm cao cấp hơn, chuyên sâu hơn, phát triển mạnh các công đoạn có giá trị gia tăng lớn hơn như thiết kế thời trang, phát triển mẫu mã mới và kết nối mạnh hơn với các tập đoàn dệt may hàng đầu thế giới.
Dây chuyền sản xuất quần áo xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
|
Theo số liệu thống kê, ngành công nghiệp dệt may của Hà Nội tuy đứng vị trí thứ 11/32 ngành về giá trị sản xuất, nhưng lại đứng thứ 2/32 về giải quyết lao động việc làm. Giá trị xuất khẩu dệt may hàng năm của Hà Nội cũng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD/ năm. |