Cuốn sách được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng, người trẻ nhất sinh năm 1966, vào năm 1972 mới lên 6 tuổi và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910, khi ấy đã 62 tuổi. Họ kể lại câu chuyện họ đã chứng kiến, để người ta có thể thốt lên: “Người Hà Nội những năm tháng ấy đáng phục làm sao!”.
Diễn viên Mỹ nổi tiếng, Jane Fonda, đã viết trong hồi ký khi kể về những ngày cô đến Hà Nội năm 1972: “Chúng tôi lái xe xuyên thành phố đến Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô để tôi khám chân. Phiên dịch trong ngày của tôi là Chi. Cô nói với các bác sĩ tôi là người Mỹ, và câu giới thiệu này gây xôn xao xung quanh. Tôi tìm một biểu hiện hằn thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những ánh - mắt - không - hận - thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt”.
Với 3 phần, cuốn sách đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, dựng lại bối cảnh cuộc sống của người Hà Nội những năm 1966-1972 và quá trình quân đội ta nghiên cứu làm thế nào để hạ được "pháo đài bay" B-52. Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội. Cuốn sách cũng ghi lại cuộc sống ở Hà Nội những ngày hòa bình trở lại.
Đối mặt với B-52 là thành quả của nhóm biên soạn đứng đầu là nhà báo, đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không - Không quân. Ông chính là nhân chứng sống của 12 ngày đêm cuối năm 1972, trực tiếp tham gia đưa tin bài, ảnh phản ánh quá trình chuẩn bị và chiến đấu với B-52 của quân ta. Bên cạnh ông là những nhà báo, họa sĩ trẻ, có người sinh sau thời điểm năm 1972, nhưng đều là những người cùng chia sẻ mối quan tâm đến giai đoạn lịch sử đặc biệt này của cuộc chiến tranh chống Mỹ.