Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập: Tự chủ càng sớm càng tốt

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa nhưng chưa tinh, làm cho “bầu sữa” ngân sách ngày càng cạn kiệt, đó là đánh giá của PGS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về thực trạng cũng như những giải pháp để đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn hiện nay.

 PGS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân
Không “tinh giảm” không được

Ông đánh giá thế nào về con số 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế, khi mà hàng năm, Nhà nước phải chịu gánh nặng ngân sách khổng lồ để nuôi?

- Số lượng người hưởng lương từ ngân sách đang rất đông góp phần… quan trọng khiến cho gánh nặng ấy ngày càng tăng. Bộ máy công chức đã phình to, nhưng đội ngũ viên chức còn cồng kềnh hơn rất nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải. Riêng chi tiền lương cho khối này đã chiếm phần lớn số thu của cả nước, nhưng nếu tính thu nhập bình quân của người lao động lại rất thấp. Chính nghịch lý này không chỉ khiến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thêm sức ì, khó nâng cao trách nhiệm mà còn là “điều kiện” dẫn đến tiêu cực. Một bộ phận không hẳn do tư cách, phẩm chất xấu, nhưng do tiền lương quá ít, không đủ đảm bảo cuộc sống nên đã nghĩ ra đủ mánh khóe kiếm chác, tư lợi… làm nảy sinh tiêu cực và tha hóa cán bộ.

Để vừa tiết kiệm chi ngân sách, vừa đảm bảo cho cán bộ công chức có thu nhập thỏa đáng đảm bảo cuộc sống, không còn con đường nào khác phải thu gọn bộ máy, tinh giảm biên chế để rút bớt số người hưởng lương từ ngân sách.

Theo ông, đã đến thời điểm thích hợp để “cai sữa” cho các đơn vị này?

- Các đơn vị sự nghiệp công lập sống nhờ “bầu sữa” ngân sách đã tồn tại theo dạng này rất lâu rồi. Bề ngoài cũng có một vài thay đổi, nhưng thực chất hầu hết vẫn như cơ chế bao cấp. Mỗi năm, từng đơn vị sẽ chờ được phân bổ ngân sách, không muốn tự mình bươn chải cùng thị trường. Đây là thói quen xấu không chỉ của người lao động, các đơn vị dạng này, mà còn của cả các nhà quản lý cũng ngại thay đổi. Nếu cứ duy trì tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều tác hại lớn, khi mà bội chi ngân sách tăng đều đều, năm sau cao hơn năm trước. Không phải chúng ta không thu được, mà do thu không đủ chi khi phải “cõng” bộ máy quá nặng nề. Trong khi đó, đất nước đang rất cần tiền dành cho đầu tư phát triển. Nhưng ăn còn không đủ thì lấy đâu ra để tích lũy. Cuối cùng, ta lại đi vay, từ phát hành trái phiếu trong nước đến ODA nước ngoài. Mà vay để… ăn thì không bao giờ tái tạo được, bởi vay cho đầu tư phát triển mới sinh lời được.

Chính vì Nhà nước cứ phải đứng ra chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là những dịch vụ cơ bản cho xã hội như y tế và giáo dục sẽ dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, vì tiền đâu đầu tư cho đủ. Sức khỏe, trí tuệ không được chăm sóc tốt, sẽ khó tạo tiền đề cho một xã hội phát triển. Chính vì chất lượng không cao, nên hàng năm, Việt Nam mất lượng tiền rất lớn chảy ra nước ngoài để du học hay chữa bệnh. Thiệt hại còn đến với nguồn nhân lực, khi người lao động trình độ cao không được đãi ngộ và môi trường làm việc tương xứng dễ dẫn đến tài năng bị mai một, nhiệt huyết giảm hoặc “nhảy” sang một lĩnh vực khác có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Rộng cửa hơn, hiệu quả hơn

Từ thực tế tại một số đơn vị đã thực hiện tự chủ, trong đó có trường Đại học Kinh tế quốc dân, ông thấy “được – mất” điều gì, có gì vướng mắc không?

- Từ năm 2005 trường Đại học Kinh tế quốc dân đã có quá trình chuẩn bị cho việc tự chủ từ việc xung phong đăng ký là một trong bốn trường đầu tiên thực hiện tự chủ từng phần và đến 2015, Trường được thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện cả về đào tạo, tài chính và tổ chức nhân sự.

Thực hiện cơ chế tự chủ, nhà trường như được “cởi trói” để chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng. Đơn cử như với một số chương trình đào tạo chất lượng cao nhiều người mong muốn theo học và có khả năng chi trả nhiều hơn sẽ được chú trọng đầu tư để thu học phí cao hơn, đương nhiên đi kèm là chất lượng phải tốt hơn. Đối với những ngành xã hội cần nhưng người học không mặn mà theo đuổi thì trường vẫn duy trì với mức học phí thấp đi kèm với các chính sách thu hút người học.

Việc thay đổi tự chủ đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên phải nâng cao trình độ, trước kia nhiều bài giảng đơn thuần bằng tiếng Việt, bây giờ giảng song ngữ, có như vậy người học mới sẵn sàng bỏ tiền ra theo học. Nhờ nguồn thu tăng nên thu nhập cán bộ, giảng viên cũng cao hơn, thậm chí nhiều đơn giá giảng tại trường Kinh tế quốc dân hiện nay có thể tương đương như chi trả cho các giảng viên nước ngoài. Theo tôi, đây là mức đãi ngộ tương xứng với chất lượng đòi hỏi ngày càng cao của nhà trường. Tất nhiên với những người chỉ muốn “chắc chân” vào làm viên chức mà không chịu nâng cao trình độ, nếu 2 năm đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, chắc chắn không có “cửa” ở lại.

Bệnh viện Tim Hà Nội - một trong những đơn vị thực hiện tự chủ hiệu quả của TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Khi số thu tăng lên, không phải dành chi trả lương hết, mà trường còn phải tính toán tích lũy phục vụ chi đầu tư phát triển. Như tòa nhà trung tâm trường Đại học Kinh tế quốc dân mới đưa vào hoạt động, được đánh giá là một trong những giảng đường đẹp nhất, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Nói thêm một chút về công trình này. Tòa nhà dù mới, nhưng đến khi hoàn thành cũng mất đến 14 năm, vì trước kia trông chờ ngân sách, mỗi năm rót được vài chục tỷ đồng, thấm vào đâu với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.Vậy mà chỉ riêng trong 2 năm gần đây, trường đã tự “chắt bóp”, bỏ ra trên 400 tỷ đồng để hoàn thiện xây dựng và đầu tư thiết bị. Nếu không tự chủ, không có tích lũy thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy.

Tuy nhiên, được giao quyền tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm mà Trường vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải thực hiện các cam kết với xã hội và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Xã hội hóa nhưng không thương mại hóa đối với các dịch vụ công, liệu yêu cầu ấy có mâu thuẫn, khiến cho việc tự chủ của các đơn vị gặp khó khăn?

- Cơ chế tự chủ sẽ giúp cho các đơn vị rộng cửa hơn, nhưng điều đó không có nghĩa muốn làm gì thì làm, bởi tất cả đều phải theo các quy định pháp luật. Ngoài ra phải xây dựng được quy chế hoạt động để thực hiện và làm căn cứ cho các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Điều này cũng giúp cho các đơn vị đảm bảo đúng mục tiêu tự chủ, có thể xã hội hóa nhưng không thương mại hóa, không phải làm mọi cái chỉ vì lợi nhuận.

Trong dịch vụ công, phải chia ra nhóm có khả năng thu hút xã hội hóa cao với những dịch vụ nhanh nhất, tốt nhất và đồng nghĩa người sử dụng phải trả phí tương ứng. Chúng ta cần lấy số thu từ những đơn vị này để tái tích lũy đầu tư. Nhóm thứ hai là những dịch vụ thiết yếu, căn bản tối cần thiết cho sự phát triển ổn định, bền vững chung của xã hội (như giáo dục phổ cập bắt buộc, đào tạo ngành nghề thiết yếu cho xã hội, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh theo bảo hiểm xã hội, tiêm phòng, phun hóa chất phòng trừ dịch bệnh…) là những dịch vụ cá nhân không sẵn sàng chi trả hoặc không có khả năng chi trả. Những dịch vụ này phải được chi phí từ nguồn ngân sách Nhà nước thông qua phương thức Nhà nước phải đứng ra “đặt hàng” những đơn vị cung ứng dịch vụ công.

Tự chủ không có nghĩa là buông hết. Song song với cơ chế, phải đưa ra các khuôn khổ luật pháp, chính sách, nhất là tăng khả năng kiểm tra, giám sát. Các đơn vị sự nghiệp công lập dù là tự chủ nhưng hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh mà phải tuân thủ nguyên tắc phi lợi nhuận nên tất cả các hoạt động thu chi dù được công khai, tự quyết nhưng phải được công khai, minh bạch. Về lâu dài, cần chuyển cơ chế quản lý đối với những đơn vị dạng này sang cơ chế hoạt động theo hình thức DN phi lợi nhuận để tạo thuận lợi hơn cho phát huy các quyền tự chủ và sự cạnh tranh bình đẳng hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!