Kỳ thi năm nay được nhiều phụ huynh đánh giá là có lợi cho học sinh. Bởi thay vì phải thi 6 môn như mọi năm thì thí sinh chỉ còn thi 4 môn; được lựa chọn 2 môn thi theo sở trường. Trong khi đó, Hội đồng thi lại phải làm việc vất vả hơn bởi thay vì tổ chức 6 môn thi thì năm nay phải tổ chức tới 8 môn. Trong một ngày, Hội đồng thi phải tổ chức tới 3 môn, trong đó có 3 buổi/5 buổi thi tổ chức thành 2 ca (2 môn thi).
Còn dư luận lại thấy lãng phí bởi ở nhiều Hội đồng thi, hàng chục cán bộ của Hội đồng thi chỉ để “phục vụ” một, hoặc một vài thí sinh do cả Hội đồng thi chỉ có thí sinh này đăng ký thi môn đó như: Trường THPT Quang Trung (Hà Nội), 18 người phục vụ thí sinh duy nhất thi Sử, trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), môn Lịch sử có một thí sinh dự thi. Toàn hội đồng có 59 người, trong đó có 37 giám thị coi thi, còn lại là bảo vệ, phục vụ, lực lượng công an, quân đội. Sau khi kết thúc môn Vật lý, toàn bộ ở lại cùng túc trực với môn Lịch sử - dù chỉ có một thí sinh thi.
Cũng như mọi năm, khi Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo thông tin tình hình tổ chức thi, đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 trên cả nước đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng yêu cầu bước đầu đổi mới thi. Thì một ngày sau, ngành giáo dục liên tục nhận được thông tin về hình ảnh “quay bài tập thể” tại HĐT Nam Lương Sơn (Hòa Bình), những lộn xộn ở phòng thi tốt nghiệp của hội đồng thi Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) và Trường THPT Trưng Vương (Văn Lâm, Hưng Yên). Theo phản ánh từ báo Dân trí, tại Hội đồng thi trường THPT Cầu Giấy Hà Nội, mặc dù có hai giám thị nhưng các thí sinh vẫn có thể vô tư trao đổi bài mà không gặp quá nhiều khó khăn. Thậm chí, nếu không chú ý, rất khó có thể nhận ra màn ảo thuật giật bài thi của thí sinh trong hình. “Màn ảo thuật” này khiến ngay cả thí sinh bị giật bài cũng không biết bài thi của mình "biến mất" từ lúc nào... Theo ghi nhận, suốt buổi thi, phòng thi này rất nhốn nháo, các thí sinh có thể trao đổi bài với nhau không mấy khó khăn. Những hình ảnh tương tự cũng được ghi nhận tại Hội đồng thi trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên.
Ngay lập tức, Bộ GD-ĐT có công văn chỉ đạo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội và tỉnh Hưng Yên tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm những sai phạm theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.
Ngay sau khi được biết thông tin phản ánh có dấu hiệu tiêu cực, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập tổ thanh tra xác minh sự việc. Qua xác minh nhận thấy thông tin phản ánh là đúng, sự việc xảy ra tại phòng thi số 016 của hội đồng coi thi trường THPT Cầu Giấy, giám thị đã để thí sinh mất trật tự và trao đổi bài trong phòng thi vào thời gian cuối của buổi thi môn toán. Tổ công tác đã yêu cầu các cá nhân có liên quan làm bản tường trình, tự nhận khuyết điểm và mức độ kỷ luật.
Không những vậy, tại buổi họp báo, nhiều phóng viên báo chí đặt vấn đề về những hình ảnh tiêu cực ở Hội đồng thi trường THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình) được phát tán lên mạng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, vấn đề này Bộ GD-ĐT đã nắm được. Bộ GD-ĐT không đặt vấn đề là ai quay, quay ở đâu mà quan trọng nhất là không lọt đề thi ra ngoài. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu Hòa Bình kiểm tra. Qua hình ảnh cung cấp thì có thể thấy không có tình trạng lộn xộn như năm trước. Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng, trong phòng thi việc thí sinh quay ngang dọc là hoàn toàn có thể xảy ra và giám thị có trách nhiệm để nhắc nhở. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là sẽ xử lý nghiêm nếu Hội đồng thi nào đó để xảy ra tiêu cực. Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết thêm, Bộ đã nhận được phản ánh của thầy giáo Đỗ Việt Khoa về những nghi vấn tiêu cực thi tốt nghiệp tại Trường THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình). Ngay đêm hôm đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở GD-ĐT Hòa Bình vào cuộc xử lý. Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm nếu có đầy đủ bằng chứng.
Những việc làm này của Bộ được xem là nhanh nhạy, kịp thời nhưng câu hỏi về hiệu quả công tác xử lý, đổi mới cách thức tổ chức thi, và hơn hết phương án để ngăn chặn tiêu cực cho những mùa thi sau cũng là một vấn đề cần được toàn ngành giáo dục đặc biệt quan tâm!
Chiều 2/6, Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn Sử tại hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) với 18 thành viên Hội đồng coi thi.Ảnh: Vnexpress.net
|
Những vụ bê bối thi tốt nghiệp chấn động dư luận: Năm 2006, tại trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội, thầy Đỗ Việt Khoa (một trong những giám thị tham dự coi thi tốt nghiệp tại THPT Phú Xuyên A, Hà Nội) đã quay video ghi lại cảnh giáo viên tại trường bỏ vị trí, nhân viên phục vụ vào tận phòng thi phát bài giải cho thí sinh. Không chỉ dừng lại ở đó, thầy giáo này còn tố giám thị nhận 700.000 đồng/người để làm ngơ cho học sinh sử dụng tài liệu. Thầy Đỗ Việt Khoa. Sự việc được Bộ GD-ĐT tiếp nhận và thanh tra đột xuất, xác minh. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tây báo cáo tình hình và xử lý tập thể, cá nhân liên quan. Nhờ hành động dũng cảm của thầy Đỗ Việt Khoa, tháng 7/2006, Bộ GD-ĐT phát động phong trào "Hai không" (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử). Tháng 9/2006, giáo viên Lê Đình Hoàng dạy Địa lý tại trường THPT bán công Thanh Chương, Nghệ An, đã đưa lên mạng 4 đoạn video phản ánh tiêu cực tại hội đồng thi Nam Đàn 2, Nghệ An. Các video này đều ghi lại cảnh lộn xộn, nháo nhác trong phòng thi khi các thí sinh ngồi tụm lại với nhau, đi lại lộn xộn như cái chợ, ngồi cả lên bàn chép bài của nhau. Cảnh tượng trong một phòng thi tại hội đồng thi Nam Đàn 2, Nghệ An. Ban đầu, do lo sợ bị trả thù, thầy giáo Hoàng đã chờ 3 tháng sau khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra mới đưa những video này lên diễn đàn với nickname Edu 2 và không công khai tên tuổi thật. Tuy nhiên sau đó, thầy giáo này đã công bố danh tính để có thể phối hợp điều tra với các cơ quan chức năng. Sau đó, ngày 27/9/2006, đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã điều tra và xử lý vụ việc tiêu cực này. Đồng thời, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 3579 tặng bằng khen cho thầy giáo Lê Đình Hoàng. Thầy Lê Đình Hoàng được nhận bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An. Năm 2007, tại Hội đồng thi TT GDTX Lương Tài, Bắc Ninh, khi Thanh tra giáo dục đến đây kiểm tra đã bắt quả tang thư ký hội đồng thi Nguyễn Thành Bắc đang in sao, giải đề Vật lý cho thí sinh. Do sự việc nhanh chóng được phát hiện và xử lý khi nên bài giải chưa kịp đưa đến các phòng thi và thí sinh. Tuy nhiên việc để lộ đề thi như trên là hành động nghiêm trọng và được cho là có tổ chức. Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao (đứng) đang chất vấn chủ tịch Hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Vì vậy, Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã quyết định đình chỉ công việc ông ông Nguyễn Thành Bắc. Ngoài ra, chủ tịch hội đồng thi Đỗ Đức Trị cũng bị đình chỉ nhiệm vụ do để lộ đề thi ra ngoài. Năm 2012, tại trườngTHPT dân lập Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang, ngay sau môn thi cuối cùng kết thúc ngày 4/6/2012, Nguyễn Danh Ngọc (giáo viên Thể dục, trường THPT Đồi, Ngô, Bắc Giang) đã cung cấp cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa một clip dài gần 10 phút quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi tại hội đồng này. Chưa dừng lại ở đó, nhiều video khác cũng ghi lại cảnh tiêu cực ở các môn Toán, Ngoại Ngữ nhanh chóng được phát tán. Tổng cộng có tới 12 video quay lại cảnh gian lận trong thi cử tại hội đồng thi này. Các video này đều do chính thí sinh trong phòng quay lại. Đó là hình ảnh học sinh thản nhiên nhìn bài, ném tài liệu cho nhau. Thậm chí, trong phòng có hai giám thị nhưng các thí sinh vẫn hồn nhiên trao đổi một cách thoải mái. Đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi. Sự việc lập tức gây chú ý của dư luận, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở GD-ĐT Bắc Giang đã quyết định kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến vụ việc này. Mùa thi năm 2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được video phản ánh tiêu cực tại hội đồng thi THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Video ghi lại cảnh phòng thi lộn xộn, thí sinh mặc sức trao đổi bài, thậm chí làm hộ bạn trước mặt giám thị tại phòng thi số 35. Trong khi đó giám thị lại làm ngơ và bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện. Sự việc diễn ra ở cả hai môn Toán và tiếng Anh ngày 4/6. Vi phạm tại hội đồng thi này được cho là không nghiêm trọng như trước đây nhưng việc để thí sinh quay bài của nhau mà giám thị không xử lý vẫn phải bị kỷ luật. Vụ việc đã được Sở GD-ĐT Hà Nội điều tra cảnh cáo các giám thị trong phòng thi số 35, khiển trách chủ tịch Hội đồng, thanh tra viên được phân công phụ trách và các giám thị ở ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo hội đồng gồm Phó Chủ tịch và Thư ký, các thành viên của Tổ thanh tra cũng bị phê bình. |