Sách giáo khoa (SGK) là yếu tố thể hiện nhiều yêu cầu quan trọng của chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT), bởi thế cần phải có một CT mang tính tổng thể thống nhất trong cả nước. Vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, không biết Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn CT chi tiết theo hướng nào mà lại chú ý đến "phần ngọn" là SGK?
Tổng thể thống nhất
Theo quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, CT GDPT là bản thiết kế mô hình nhân cách cần đào tạo 12 năm. Bản thiết kế này mang tính tổng thể, bao gồm những mô hình nhân cách theo từng cấp học và năm học. Tính thống nhất của các CT thành phần đối với CT tổng thể là yêu cầu tiên quyết. Nếu các CT cấp học, lớp học được chỉ đạo theo hướng thả nổi "trăm hoa đua nở" sẽ là điều tai hại, bởi nhân cách cần đào tạo bị cắt lát, không ăn nhập với nhau, do đó, nhân cách của học sinh (HS) tốt nghiệp phổ thông là một sự chắp vá tùy tiện.
CT GDPT giữ vai trò quan trọng, giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ bậc tiểu học đến hết THPT. Về nguyên tắc, khi có CT chi tiết, người giáo viên có năng lực có thể tìm kiếm tài liệu từ mọi nguồn để dạy học trò mà không cần sự trợ giúp của SGK. Bởi thế, khi bàn đến CT và SGK, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đề nghị, cần tập trung trí tuệ, lực lượng để xây dựng CT thật tốt cho tất cả các bậc học phổ thông, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cũng vì những băn khoăn trong việc xây dựng CT, GS Phạm Thị Trân Châu đặt ra một số câu hỏi: Khi xây dựng CT có cần lưu ý đến sự khác nhau về năng lực HS (đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài), điều kiện khác nhau về sự phát triển kinh tế ở các vùng miền, đầu tư của các gia đình cho việc học của con em họ? "Phải chăng trước hết chúng ta cần nói đến việc thống nhất một CT tối thiểu/căn bản cho mọi vùng miền mà mọi HS tốt nghiệp THPT phải có, làm cơ sở để lựa chọn công việc tiếp theo, chứ không phải chỉ để học đại học?" - GS Phạm Thị Trân Châu đề xuất.
Chương trình chỉ có một
Rất nhiều chuyên gia đồng tình với chủ trương "một CT nhiều bộ SGK". Nhiều bộ SGK là phản ánh tính đa dạng cần thiết của nội dung CT, để đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân trên những địa bàn sinh sống khác nhau, với những điều kiện về kinh tế - xã hội khác nhau. Vì SGK là một yếu tố quan trọng của CT, cho nên khi xây dựng CT cần có độ chuẩn về mặt kiến thức. Như phân tích của PGS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: Cần quy định rất cụ thể chuẩn môn Toán lớp 8, HS phải biết những gì, phải làm được gì, kiến thức đạt đến đâu? Để giải những bài toán tình huống về Toán phục vụ đời sống phải có những loại nào?
Các môn học khác cũng vậy. Nói một cách khái quát về xây dựng CT, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đề nghị, CT THCS phải đảm bảo tính phổ thông, cơ bản và toàn diện. Còn bậc THPT dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp, nên có thể lựa chọn môn học. Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, CT phải viết thật kỹ để người thầy căn cứ chuyển tải kiến thức cho HS. Xây dựng CT nên căn cứ vào mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của HS từng cấp học cũng như năng lực phẩm chất đầu ra của HS. Dựa trên chuẩn của CT, người thầy đánh giá học trò, cũng như căn cứ vào đó để dạy, chọn SGK và tài liệu phục vụ việc giảng dạy. Cách làm này sẽ tránh tình trạng biến SGK thành pháp lệnh, dẫn đến đọc - chép vốn đã diễn ra trong nhiều năm mà không phát huy được sự sáng tạo của học trò. Bên cạnh nhiều ý kiến đề nghị có một CT chuẩn thống nhất, cũng có những chuyên gia đề xuất, trong CT chuẩn cần có thêm CT nâng cao để đáp ứng nhu cầu của HS. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, CT phổ thông chỉ có một. Từ CT chuẩn, HS muốn học nâng cao là do năng lực, do yêu cầu. Nếu HS có nhu cầu học nâng cao, giáo viên sẽ gợi ý tự tìm hiểu thông tin tài liệu, không phải như trước đây phải đến lò luyện thi đại học.
Kinhtedothi - Giờ học toán của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng |