Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới công nghệ nuôi trồng thủy sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới phương thức và ứng dụng công nghệ vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng Hà Nội đang tập trung triển khai nhằm nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Chưa có mô hình công nghệ cao
Khai thác lợi thế vùng chiêm trũng, ông Đinh Quang Lĩnh (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Đây là quy trình sản xuất tiên tiến, mang lại năng suất cao vượt trội so với phương thức nuôi truyền thống. Không chỉ vậy, chất lượng cá cũng đặc biệt thơm ngon do được vận động liên tục.
Theo ông Lĩnh, kinh phí đầu tư mô hình “sông trong ao” lên tới 400 triệu đồng/ha nhưng bù lại có thể vận hành đến 20 năm. Ngoài ra, kỹ thuật nuôi trồng này còn giúp giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nước. Đồng thời, cá được nuôi thả liên tục, không mất thời gian vệ sinh ao nuôi nên năng suất cũng tăng đáng kể.
 Mô hình nuôi cá ''sông trong ao'' mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, toàn TP có 63 mô hình công nghệ nuôi cá “sông trong ao”. Cùng với đó là khoảng 9.700ha NTTS sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước, công nghệ chuyển hóa thức ăn trong môi trường ao nuôi (biofloc)…
Một số trang trại nuôi thủy sản hữu cơ đã hình thành tại các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phúc Thọ… Mô hình nuôi cá chép cho ăn bổ sung giun quế, thóc ủ mầm cũng đang dần trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều nông hộ còn ứng dụng kỹ thuật vào quá trình phối trộn thức ăn, ủ chế phẩm EM với tỏi rồi trộn vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng, khả năng tiêu hóa cho cá…
Mặc dù một số kỹ thuật đã bước đầu được đưa vào ứng dụng sản xuất, tuy nhiên theo đánh giá, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn chưa có mô hình NTTS ứng dụng công nghệ cao được công nhận. Các mô hình với hàm lượng công nghệ còn rất hạn chế và quy mô cũng tương đối nhỏ.
Đồng bộ các giải pháp
Thực tế sản xuất những năm qua cho thấy, diện tích NTTS trên địa bàn Hà Nội được giám sát, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm chỉ chiếm từ 3 – 5%. Số lượng giống thủy sản mới đưa vào nuôi trồng rất khiêm tốn. Công nghệ chế biến chưa được đầu tư khiến giá trị từ thủy sản nước ngọt còn thấp…
Xác định giống là yếu tố quan trọng trong phát triển thủy sản, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng 2 cơ sở sản xuất nhân tạo giống cá rô phi, 14 cơ sở sản xuất giống cá truyền thống, 1 cơ sở nuôi ốc nhồi và 4 cơ sở nuôi ếch giống.
Bên cạnh đó, Trung tâm Giống thủy sản phục vụ sản xuất một số giống cá nước ngọt như: trắm cỏ, trôi, rô phi… cũng đang được xúc tiến xây dựng. Để thúc đẩy NTTS trên địa bàn Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2016 – 2020.
Thực tế thời gian qua, TP đã đầu tư, triển khai 2 dự án vùng NTTS tập trung tại các huyện Ứng Hòa và Thường Tín; tuy nhiên, vẫn còn 11 dự án khác đang chờ được xem xét. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề xuất TP tăng kinh phí hỗ trợ lần đầu cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào NTTS. Bổ sung thêm vật nuôi có giá trị kinh tế cao như trắm đen, bống, ếch… vào đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích khi áp dụng công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực NTTS, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội định hướng sẽ đẩy mạnh lắp đặt hệ thống cảnh báo môi trường và cho ăn tự động. Phổ biến và nhân rộng việc sử dụng trang thiết bị làm giàu oxy có chế độ bật ngắt tự động. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật gắn chíp, bắn số để quản lý tốt hơn đàn cá bố mẹ…