Từ một đất nước có hơn 95% số dân mù chữ, đến nay, Ngành giáo dục và đào, đặc biệt là GD&ĐT Thủ đô đã có những đổi mới, bước tiến vững chắc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ một đất nước có hơn 95% số dân mù chữ, đến nay, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đặc biệt là GD&ĐT Thủ đô đã có những đổi mới, bước tiến vững chắc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ “diệt giặc dốt”
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là mốc son đánh dấu sự ra đời của một nước Việt Nam mới. Đây cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng của nền giáo dục Việt Nam, một ngày sau khi giành được độc lập (3/9/1945), trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách, Hồ Chủ tịch nói "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"... Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan tỏa vào từng thôn xóm, bản làng, từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi...
Chia sẻ về những lớp bình dân học vụ, nhà giáo Nguyễn Trà (Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), một trong những người tham gia dạy bình dân học vụ một thời tại Hà Nội cho biết, thời đó khó khăn vô cùng, dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu. Bàn học là thúng úp ngược, vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác. Lớp học được đặt tại bất cứ nơi nào thuận lợi cho nhân dân, có thể là ở trường học, cơ quan chính quyền, doanh trại quân đội hoặc tại nhà dân, đình, chùa, lán trại… “Cứ xâm xẩm tối, khi vừa kết thúc một ngày lao động, dù mệt mỏi, bà con lại tất bật mang vở, bút, xách đèn dầu đi tìm con chữ trong những căn nhà lá đơn sơ. Người đến lớp đủ các thành phần, từ người già, trẻ con, thanh niên bất kể là nam hay nữ. Trong ánh đèn dầu lập lòe, những mái đầu cặm cụi, ê a đánh vần từng con chữ” – thầy giáo già nhớ lại.
Thầy Trà kể, thời ấy cần nhất là xóa mù chữ, nên thầy chỉ dạy 2 môn là toán và học vần, mục đích giúp người dân biết đọc, biết viết, biết tính cộng, trừ, nhân, chia... “Bình dân học vụ không chỉ xóa nạn mù chữ trong Nhân dân, còn giúp người dân có ý thức về quyền lợi và bổn phận của công dân một nước độc lập, đó là ngoài được tự do thì còn phải được học hành, mở mang kiến thức. Phong trào góp thành tích lớn, là cơ sở để nâng cao dân trí nước nhà” – thầy Trà nhấn mạnh.
Đến nay, chương trình xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ vẫn được chú trọng, tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi từ 15 trở lên hiện đạt khoảng 96% dân số. Tỷ lệ này của Hà Nội đạt trên 99%, tất cả quận, huyện, thị xã đều đạt chuẩn về xóa mù chữ.
... Đến đổi mới giáo dục
Sau hơn 70 năm, kể từ lời kêu gọi “diệt giặc giốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, đặc biệt, sau 10 năm (2008 – 2017) Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền TP Hà Nội, ngành giáo dục Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng.
Không chỉ cơ sở vật chất được đầu tư mà những chính sách ưu đãi đối với cán bộ, giáo viên (GV) cũng được cải thiện, chất lượng giáo dục được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của người dân Thủ đô. Cách đây 9 năm, khi Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII bắt đầu được triển khai, không ít người đã "ái ngại" trước những nhiệm vụ nặng nề mà ngành giáo dục Thủ đô phải gánh vác. Nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách về cơ sở vật chất, trình độ dạy và học giữa các khu vực nội - ngoại thành và vùng sâu, vùng xa rất khó để thu hẹp. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, đầu tư với những quyết sách hợp lý của các cấp chính quyền TP, năm học 2016 – 2017 Hà Nội có 2.669 trường học và cơ sở giáo dục, 52.839 nhóm lớp với hơn 1,8 triệu học sinh. Toàn TP cải tạo, sửa chữa, xây mới và các công trình phụ trợ liên quan là 2.622 phòng học... Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các trường học được cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Khoảng cách về cơ sở vật chất giáo dục, chất lượng đào tạo giữa các khu vực của Thủ đô đãgiảm đáng kể. Điển hình là huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức,... còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, có những trường, lớp chỉ là những căn nhà cấp 4 xuống cấp, nhiều lớp phải học nhờ, học tạm,… Đến nay đã "thay da, đổi thịt", phòng học tạm, học nhờ, phòng học cấp 4 cơ bản được "xóa sổ", nhiều ngôi trường được xây dựng với các khối nhà 3 - 4 tầng khang trang.
Bên cạnh sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường, Hà Nội đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ GV, GV được xem là khâu đột phá, trọng tâm của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. Với việc nâng cao chất lượng giáo dục, Hà Nội chọn khâu đột phá bắt đầu từ đội ngũ GV, ngành Giáo dục Thủ đô đã có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ GV với lộ trình cụ thể đến năm 2020; phấn đấu có nhiều nhà giáo mẫu mực với đủ 3 tiêu chí: Phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% GV tiểu học, THCS và 80% GV mầm non có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; 30% GV THPT có trình độ thạc sĩ trở lên. Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, GV cốt cán các bộ môn, GV chủ nhiệm lớp giỏi; nâng cao vai trò của GV chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho HS.
Để hoàn thiện đội ngũ theo các tiêu chuẩn đã đặt ra, việc xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đội ngũ GV, trong đó chú trọng nội dung bồi dưỡng phẩm chất và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát huy năng lực toàn diện cho HS. Nguồn kinh phí TP cấp cho công tác đào tạo bồi dưỡng hàng năm ngày càng tăng (2008: 8,4 tỷ đồng; đến năm 2017 là gần 60 tỷ). Với nguồn kinh phí trên, đã có hơn 135.000 lượt cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành được tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đây cũng là năm đầu tiên ngành GD&ĐT Thủ đô triển khai bồi dưỡng đại trà cho gần 92.000 cán bộ quản lý và giáo viên của 30 quận, huyện với tổng kinh phí là 13 tỷ 812 triệu đồng.
Nếp sống văn minh thanh lịch cũng được Hà Nội chú trọng. Ngành GD&ĐT Hà Nội đã biên soạn bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho HS Hà Nội" và đưa vào giảng dạy đại trà từ bậc tiểu học đến THPT. Từ chương trình khung, các nhà trường đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong cách thức giảng dạy nhằm tạo sức hút đối với HS, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội... Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Hà Nội tiếp tục thực hiện các mô hình trường học mới (VNEN); mô hình trường học chất lượng cao...
Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của Thủ đô, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm giáo dục lớn của cả nước, ngành giáo dục sẽ tiếp tục từng bước quy hoạch hợp lý mạng lưới trường học theo hướng đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý, giải quyết triệt để bệnh thành tích và gian lận trong thi cử; Ngành cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho những trường mầm non có nhiều điểm lẻ tại các huyện ngoại thành để tạo điều kiện tổ chức dạy học và chăm sóc trẻ tốt hơn; Tiếp tục thực hiện chương trình xóa phòng học cấp 4 và phòng học xuống cấp của các huyện để kiên cố hóa trường lớp. Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ năm học, đổi mới căn bản toàn diện và nâng cao chất lượng điều kiện dạy và học để giáo dục là "Quốc sách hàng đầu".