Năm 2014 các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thuộc ngành GTVT đã tuyển sinh được hơn 62.000 chỉ tiêu, đạt 81% kế hoạch. Trong đó, khối đại học hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh, khối cao đẳng và dạy nghề tuyển sinh còn gặp khó khăn, một số trường có kết quả tuyển sinh rất thấp so với chỉ tiêu được giao và năng lực thực tế của mỗi đơn vị.
Tình trạng này một mặt do tâm lý của người dân và học sinh còn coi nhẹ với việc học nghề, chú trọng đến học đại học; mặc khác các doanh nghiệp trong ngành chưa có sự ràng buộc lao động bằng việc trình đề án công tác tuyển dụng; công tác thông tin tuyên truyền, hướng nghiệp, dạy nghề của các trường còn yếu nên nhận thức việc tuyển dụng, học tập chưa đầy đủ.
Đối với các trường đại học, cao đẳng mở ra nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, có nhiều nguyện vọng để người học lựa chọn, song chất lượng còn hạn chế, chưa sát thực tế phát triển của ngành, do đó chỉ tiêu tuyển sinh chưa đạt, ngược lại ngành vẫn thiếu lao động chất lượng cao.
Thực hiện chương trình đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa các trường, học việc thuộc Bộ GTVT, đến nay các trường và các đơn vị lien quan đã xây dựng và trình Bộ trưởng phê duyệt 3 Đề án về đổi mới cơ chế hoạt động và thực tiến xã hội hóa các Trường Đại học GTVT TP.HCM, Học viện hàng không VN, trường Đại học Công nghệ GTVT. Và đang dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án của Trường Đại học Hàng hải VN.
Riêng đối với các trường cao đẳng, dạy nghề đang xây dựng và hoàn thiện Đề án gửi về Bộ GTVT.
Hiện nay, các trường cao đẳng, dạy nghề lĩnh vực GTVT đang gặp nhiều khó khăn, như: Công tác tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nên gặp khó thực hiện tự chủ tài chính và xã hội hóa giáo dục.
Trên cơ sở rà soát hoạt động của các trường, Bộ GTVT đã xây dựng Chiến lược phát triển các trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; công tác xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm, công tác tổ chức cán bộ và một số công tác khác.
Trước mắt bộ quyết định và thông báo chỉ tiêu kế hoạch đào tạo năm 2015 cho các trường. Đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện xã hội hóa các trường, học viện thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Chiến lược phát triển các trường do Bộ GTVT đưa ra tập trung vào rà soát chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy từ đó xây dựng kế hoạch đổi mới giảng dạy tăng tính tiếp cận thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong ngành và xã hội. Đặt biệt là nhân lực ngành hàng không, hàng hải.
Bộ chỉ đạo các trường cần bám sát nhu cầu và định hướng thị trường để đề xuất các chương trình đào tạo hợp lý. Nghiên cứu giải pháp liên kết đào tạo ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp để phát huy thế mạnh về đội ngũ, cơ sở vật chất và thị trường tuyển sinh…
Lãnh đạo bộ cho rằng, giải pháp nguồn nhân lực cho ngành GTVT là hết sức cần thiết, yêu cầu các trường cần củng cố lại đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất nhằm đào tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để góp phần phát triển ngành cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế thị trường, các trường cần chủ động, năng động hơn nữa, bắt nhịp và đổi mới kịp thời, quyết liệt hơn nữa theo chỉ đạo của bộ, tạo hiệu quả trong giáo dục, đào tạo cả về chất và lượng.
Ảnh minh họa.
|