Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới mạnh mẽ phương thức sản xuất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù là nước đứng thứ 5 thế giới về số lượng, nhưng giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam chỉ đứng thứ 10 do chất lượng thấp nên giá bán không cao. Để nâng cao giá trị sản xuất ngành chè, giải pháp quan trọng đầu tiên là nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, trong đó công tác khuyến nông có vai trò rất lớn.

Chất lượng thấp

 

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 125.000ha trồng chè, sản lượng chè xuất khẩu mỗi năm đạt trên 100.000 tấn. Mặc dù là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới nhưng chè Việt Nam chưa có thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý. Theo các chuyên gia của ngành nông nghiệp, chất lượng chè Việt Nam chưa được đánh giá cao, giá chè xuất khẩu thấp hơn mức trung bình của thế giới. Giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam chỉ đạt 1.200 USD/ha, thấp hơn nhiều so với Srilanka 5.700 USD/ha và Kenya 6.000 USD/ha.
 
Thu hoạch chè tại Tân Cương, Thái Nguyên.     Ảnh:  Huy Hùng
Thu hoạch chè tại Tân Cương, Thái Nguyên. Ảnh: Huy Hùng
Về cơ cấu giống chè, các giống chè trung du vẫn còn chiếm gần một nửa diện tích (44,29%) trong khi đây là những giống chè lâu đời, đã bị thoái hóa, năng suất, chất lượng chỉ ở mức trung bình. Hơn nữa, tỷ lệ nương chè già, có tuổi trên 20 năm chiếm tới gần 1/4 diện tích trồng chè cả nước. Đáng nói là ngoài một số vùng chè được quản lý chặt chẽ của các công ty, phần lớn nông dân trồng chè chưa được học một cách bài bản về kỹ thuật canh tác cây chè, ứng dụng cơ giới hóa cũng còn hạn chế. Đây là một cản trở rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng chè Việt Nam.
 

Đặc biệt, hiện nay việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên chè vẫn còn nhiều tồn tại. Theo thống kê, diện tích chè được sử dụng thuốc BVTV đúng kỹ thuật chỉ chiếm 62%. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, an toàn thực phẩm trên chè vẫn là một trong những vấn đề còn nhiều bức xúc, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành chè. Tại nhiều địa phương, tình hình sâu bệnh trên chè gia tăng do người dân lạm dụng thuốc BVTV. Hiện ít nhất người trồng chè phải sử dụng từ 1 - 2 lần thuốc BVTV/lứa, có nơi cao hơn lên tới 3 - 4 lần/lứa, trong đó khoảng 80% là thuốc hóa học.

 

Đẩy mạnh công tác khuyến nông

 

Để phát triển ngành chè bền vững, việc nâng cao chất lượng chè nguyên liệu có vai trò rất quan trọng. Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, đổi mới phương thức sản xuất cho người nông dân. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, cần tích cực tập huấn, hỗ trợ nông dân chuyển sang sản xuất chè theo hướng VietGAP. Đồng thời, tăng cường quản lý tốt việc sử dụng thuốc BVTV trên cây chè, hướng dẫn người dân phun thuốc đúng quy định, đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt, nhanh chóng xúc tiến thành lập các tổ dịch vụ thuốc BVTV, phụ trách từ khâu buôn bán, kinh doanh, phun thuốc và theo dõi sâu bệnh trên cây chè.

 

So với rau, quả, tiềm năng sản xuất, xuất khẩu chè vẫn còn lợi thế khá lớn. Bộ NN&PTNT cũng đặt mục tiêu duy trì diện tích chè ổn định 130.000ha mỗi năm. Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho rằng, cần tích cực hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất chè tới người nông dân. Đồng thời đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, thay thế quy mô sản xuất nhỏ lẻ manh mún bằng những trang trại lớn. Cùng với đó, tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để sản xuất bền vững theo đúng quy trình và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

 

Tại Hà Nội, đến nay Sở NN&PTNT đã triển khai kế hoạch sản xuất và tiêu thụ chè an toàn được diện tích 25ha, thâm canh theo kỹ thuật mới được 90ha giúp tăng năng suất hơn so với đại trà 15%. Để tạo đà cho sự phát triển ngành chè của TP, đầu tháng 10/2013, UBND TP đã phê duyệt "Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn TP Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020". Theo đó, giai đoạn 2014 - 2016, trên địa bàn TP trồng thay thế 1.000ha giống chè năng suất thấp, chất lượng trung bình bằng các giống chè năng suất cao, giá trị sản xuất đạt trên 90 triệu đồng/ha/năm…