Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện: Nỗ lực giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông
Bước sang năm mới Đinh Dậu 2017, ngành giao thông Thủ đô không có mong muốn gì hơn là nhận được sự chia sẻ thiết thực những khó khăn mà cả TP đang phải đối diện. Mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức, chấp hành các quy định, biết nhường nhịn nhau và nhất là nhường đường cho các phương tiện giao thông công cộng, không lấn làn dành riêng cho xe buýt nhanh BRT. Về phía ngành giao thông, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để tìm kiếm những giải pháp căn cơ, bền vững cho giao thông Hà Nội.
Trên thực tế, nếu nâng cao được ý thức tham gia giao thông, bất chấp mọi khó khăn tồn tại về hạ tầng hiện có, chúng ta vẫn có thể giảm thiểu tới 30% tình trạng UTGT. Đại diện tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành GTVT Hà Nội, xin chúc cho TP Hà Nội của chúng ta một mùa xuân mới với nhiều niềm vui và thành công; đặc biệt là thành công trong công tác giữ gìn trật tự, ATGT, hạn chế ùn tắc, TNGT, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành: Tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động
Năm 2016 đi qua để lại nhiều dấu ấn đối với ngành LĐTB&XH Hà Nội. An sinh xã hội của TP tiếp tục được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,37% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Hà Nội. Đối tượng người có công với cách mạng được quan tâm, chăm lo chu đáo về vật chất và tinh thần. 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi sinh sống...; toàn TP giải quyết việc làm cho 151.800 người, đạt 101% kế hoạch, đưa tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 4,22%.
Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 152.000 người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 4%. Để làm được điều này, Hà Nội tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích DN khởi nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sở LĐTB&XH cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ việc làm bằng việc tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung – cầu thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục đưa lao động Hà Nội đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, theo dõi và cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động, tăng cường thông tin về thị trường lao động...
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Phát triển toàn diện các lĩnh vực
Ngay đầu năm mới, quận Thanh Xuân tập trung cao nhất từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng quý nhằm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2017. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của quận là tập trung thu ngân sách với chỉ tiêu TP giao năm nay 4.200 tỷ đồng; quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch TP giao.
Thứ hai, quận tập trung cao các giải pháp để thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính”. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tự giác, tự nguyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ công vụ, phục vụ Nhân dân theo hướng “một việc một đầu mối xuyên suốt”, cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.
Thứ ba, quận tiếp tục duy trì các mô hình để thực hiện tốt nhất trật tự văn minh đô thị. Trong đó, phát triển, nhân rộng mô hình tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn sang đường Nguyễn Trãi. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình “camera giám sát an ninh”; trạm tuần tra Nhân dân; mô hình bảo vệ dân phố, dân phòng; tuần tra bằng xe đạp…, làm sao việc xây dựng trật tự văn minh đô thị thấm vào từng người dân, để từng ngõ phố được khang trang, sạch đẹp.
Thứ tư, quận mong muốn khởi công, mở rộng một số tuyến đường phố lớn, đó là những tuyến đường huyết mạch trên địa bàn như đường Vũ Trọng Phụng, đường Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Nguyễn Tuân… để giảm UTGT và cải thiện đời sống Nhân dân trong khu vực.
Thứ năm, quận tập trung phát triển văn hóa xã hội, duy trì nhịp độ phát triển GD&ĐT quận Thanh Xuân, phát huy thành tích 2 năm học liên tiếp 2014 - 2015, 2015 - 2016 đứng đầu ngành GD&ĐT của Thủ đô. Theo đó, trong năm 2017, quận tiếp tục có các giải pháp, phương pháp giảng dạy mới. Đồng thời, chuyển tải các nội dung phát triển kinh tế - xã hội thông qua các học sinh – các tuyên truyền viên nhỏ, đưa lịch sử quận Thanh Xuân vào trường học.
Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động: Cộng hưởng cho nét đẹp văn hóa Hà Nội
Một trong những niềm vui lớn của ngành văn hóa là từ Đề án Tổng kiểm kê di tích TP Hà Nội đã được phê duyệt, với số lượng di tích toàn TP là 5.922 di tích (số liệu tính đến ngày 31/12/2015). Đề án không chỉ thể hiện Hà Nội là TP giàu niềm năng di sản mà còn chỉ ra những danh mục cụ thể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Năm 2017, theo Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND TP về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội, Sở VH&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về di tích. Sở đạt mục tiêu hoàn thành tu bổ các công trình: Đền Bà Kiệu, một số hạng mục thuộc di tích đền Ngọc Sơn; tôn tạo, chỉnh trang di tích tưởng niệm vua Lê Thái Tổ; sửa chữa, bảo dưỡng Con đường gốm sứ ven sông Hồng…
Bên cạnh công tác bảo tồn di sản phát huy giá trị di sản phi vật thể, những vấn đề xung quanh việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh cũng sẽ được chú trọng. Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn TP Hà Nội vừa mới được UBND TP ban hành sẽ triển khai tới từng cơ quan, đơn vị. Chúng tôi rất mong muốn Bộ Quy tắc sẽ góp phần cộng hưởng cho nét đẹp của Hà Nội từ cử chỉ, lời nói đến nét văn hóa đã có sẵn từ nghìn năm. Ngoài ra, Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng sẽ sớm được ban hành. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố trên địa bàn TP. Việc xây dựng Quy chế sẽ cần thực hiện nhiều bước từ khảo sát nhận diện thực trạng, nghiên cứu tài liệu đến lấy ý kiến của các chủ cửa hàng kinh doanh… Sở VH&TT sẽ cẩn trọng từng bước và cố gắng hoàn thành sớm nhất.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải: Đồng hành với người dân và doanh nghiệp
Năm 2017, Nam Từ Liêm được TP giao dự toán thu ngân sách 6.454 tỷ đồng, tăng 64% so với dự toán năm 2016. Trong đó, dự toán thu ngân sách khu vực ngoài quốc doanh ở mức 3.242 tỷ đồng, tăng 60% so với thực hiện năm 2016. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp để hoàn thành. Cụ thể, quận đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, tham mưu cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo dựng môi trường thuận lợi cho DN, trải thảm đỏ mời DN và nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận. Công tác tuyên truyền, CCHC, GPMB… tiếp tục được đẩy mạnh.
Chính sách nhất quán của quận là luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN. Chúng tôi đã và đang nỗ lực xây dựng Nam Từ Liêm thành một địa bàn là cực hút về đầu tư bằng việc triển khai hệ thống hạ tầng tốt, hỗ trợ tối đa DN trong GPMB, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho DN bằng các CCHC... Chúng tôi cũng đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp thu hút và tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn các DN đăng ký và đóng thuế tại quận, tạo mọi điều kiện “nuôi dưỡng nguồn thu”. DN có “khỏe”, người nộp thuế có “khỏe” thì ngân sách mới tăng thu được.