Từ đó đến nay, chiến công này luôn là một bí ẩn trong những luồng thông tin trái chiều... Đại tá Trần Sự - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Bình, người khai sinh ra đội nữ dân quân này là người nắm giữ bí ẩn ấy.
Đóa hoa mang tên “Hung thần bên biển”
Nắm giữ trọng trách Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Bình (1954 - 1974), Đại tá Trần Sự đã đi từ đầu đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao trọng trách nặng nề. Kỷ niệm đẹp nhất trong chiến tranh với ông luôn là đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng do ông lập ra. Khi các nữ dân quân bắn cháy liên tiếp 3 tàu chiến Mỹ đầu năm 1968, rất hiếm người hiểu được chiến công này quan trọng đến thế nào. Đến thăm ông tại nhà riêng (Đồng Hới, Quảng Bình) để nghe kỹ hơn chiến công lừng lẫy gần 50 năm trước, ông hóm hỉnh: “Khi tôi xin phép cấp trên để thành lập đội nữ pháo binh Ngư Thủy, các anh ấy đã gọi đùa tôi là ông Sự “văn nghệ”. Tôi nhủ thầm: Các anh sẽ biết cái “văn nghệ” này lợi hại thế nào nhanh thôi…”.
Năm 1965, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Các đơn vị pháo binh bờ biển của ta khi đối đầu với tàu chiến Mỹ bị lép vế hoàn toàn. Pháo ta không chỉ có tầm bắn ngắn hơn, mà cả tốc độ bắn và uy lực sát thương đều thua pháo của tàu địch. Loại vũ khí hiệu quả nhất để tiêu diệt tàu chiến là tên lửa diệt hạm P-15 đến tận năm 1973 mới được Liên Xô viện trợ.
Chính vì không có đối thủ trên biển, nên thời kỳ đầu chiến tranh phá hoại, hải quân Mỹ đã tăng cường, ồ ạt bắn phá miền Bắc bằng hải pháo trên hạm tàu hải quân. Miền Bắc với đường bờ biển dài đã chịu tổn thất khủng khiếp. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Pháo binh và trường Sĩ quan Pháo binh đã nhận nhiệm vụ nghiên cứu, thay đổi phương pháp bắn để pháo binh mặt đất có thể tiêu diệt tàu chiến. Các giáo viên của trường Sĩ quan Pháo binh được chia về các đơn vị chiến đấu để thực nghiệm phương pháp bắn tàu chiến địch. Sau hơn 2 năm bị tàu chiến Mỹ “vô tư” bắn phá, đến 13/4/1967, tiểu đoàn 1, trung đoàn pháo binh 204 mới bắn cháy được tàu khu trục USS Turner Joy (DD-951) của Mỹ tại vùng biển Thanh Hóa. Chiến công này lúc đó được coi là “vượt sức tưởng tượng”, mà đến giờ vẫn là một mốc son của lịch sử Pháo binh Việt Nam. Thế nhưng như thế chưa đủ để hải quân Mỹ thay đổi lịch trình và cự ly bắn phá.
Song đầu năm 1968, tại biển Quảng Bình, 3 tàu chiến Mỹ bị tiêu diệt chỉ trong vòng một trăm ngày. Với quân đội Mỹ, đó là cú “sốc” vì theo thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam, 3 tàu chiến bất khả chiến bại trên biển Việt Nam bao năm nay bị diệt bởi đội dân quân toàn con gái, không được đào tạo chính quy. Đến tận bây giờ, vẫn còn thông tin: Pháo binh chính quy diệt tàu chiến Mỹ lúc đó. Thật ra nói thế cũng không sai, ông Sự cho biết, không đào tạo chính quy nhưng đội nữ pháo binh Ngư Thủy được huấn luyện rất đặc biệt, chỉ với mục đích: Bắn cháy tàu chiến Mỹ. Kỳ lạ một điều, bản thân các nữ dân quân cũng không biết là mình được huấn luyện rất đặc biệt, họ cũng không ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ đang thực hiện. Có lẽ vì thế mà họ tránh được gánh nặng tâm lý khi thực hiện nhiệm vụ.
Suốt 2 năm phơi mình chịu trận sự bắn phá ác liệt, dồn dập của tàu chiến Mỹ, những tổn thất của Quảng Bình vô cùng lớn. Đất Quảng Bình hẹp, tàu chiến Mỹ áp sát bờ biển là gần như toàn bộ những nơi trọng yếu đều nằm trong tầm ngắm. Cần một cú đánh mạnh, bất ngờ để đẩy những chiếc tàu chiến ra xa bờ biển, việc này còn giúp cả miền Bắc tránh xa cự ly bắn phá của hải quân Mỹ. Trong điều kiện khí tài, vũ khí rất “mỏng” lúc đó, nếu muốn một cú đánh “buộc” phải thành công, chỉ có thể đánh vào điểm yếu là sự tự tin cao độ về sức mạnh của quân đội Mỹ. Đội nữ pháo binh Ngư Thủy được sinh ra với mục đích đó.
Năm 1967, ông Trần Sự đã xin ý kiến cấp trên cho thành lập đội nữ pháo binh Ngư Thủy. Ông kể: “Sau nhiều lần chưa đồng ý, khi tôi thuyết phục quá nhiều, được phê chuẩn rồi nhưng cấp trên vẫn coi đây là một quyết định “văn nghệ”: Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, việc thành lập đội nữ pháo binh còn thực hiện nhiệm vụ cũng rất quan trọng lúc ấy: Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao khẩu hiệu “Cả nước cùng đánh Mỹ”. Riêng tôi lại muốn đội nữ pháo binh Ngư Thủy sẽ là quả đấm thép với hải quân Mỹ”.
Ngày 21/11/1967, Đội nữ pháo binh Ngư Thủy chính thức thành lập. Đại đội có 37 chị em nữ tuổi từ 16 - 22, đại đội trưởng là chị Ngô Thị The, chính trị viên là chị Trần Thị Thản, đơn vị chia làm 3 trung đội sử dụng 3 khẩu pháo (một khẩu bị hỏng). Ngay sau khi thành lập, ông Sự đã lập tức giao cho pháo binh chính quy huấn luyện đơn vị. Để chuẩn bị cho “cú đấm thép” này, ông Sự còn xin điều động một số chuyên gia quân sự nước bạn tham gia huấn luyện cho chị em. Sau thời gian luyện tập tác chiến, những điểm yếu của chị em là bé nhỏ lại trở thành những ưu điểm tuyệt vời. Các thao tác, di chuyển trong phạm vi hẹp quanh khẩu pháo, trong lô cốt trở lên nhanh hơn bao giờ hết. Suốt thời gian huấn luyện, không như pháo thủ chính quy, các cô gái chỉ thực hành bắn mục tiêu di động.
Áp Tết Mậu Thân, đích thân ông Sự xuống trận địa pháo của đội nữ pháo binh truyền đạt trực tiếp mệnh lệnh: “Đại đội pháo binh nữ Ngư Thủy phải tổ chức trận đánh mở màn thắng lợi, bắn cháy tàu chiến Mỹ”. Ngày 7/2/1968 (tức mùng 6 Tết Mậu Thân), tin vui báo về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình: Đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã bắn cháy tàu chiến Mỹ đầu tiên. Đúng như dự đoán, tính toán của ông Sự, sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân, tàu chiến Mỹ áp sát bờ biển hơn nữa nhằm bắn phá, cắt đường chi viện của miền Bắc. Và chỉ trong thời điểm vàng ấy, những khẩu pháo 85 ly Ngư Thủy mới nhả đạn chính xác, hoàn tất kế hoạch “nghi binh” kia.
Cành mai trong chiếc vỏ đạn pháo
Sau đó, liên tục trong các ngày 17/3 – 16/5/1968, đội nữ pháo binh tiếp tục bắn cháy 2 tàu chiến nữa của Mỹ. Như vậy chỉ trong khoảng một trăm ngày, đội nữ binh đã bắn cháy 3 tàu chiến của Mỹ. Thực ra với sức mạnh quân sự hàng đầu cùng máy móc do thám tinh vi, quân đội Mỹ chắc chắn biết đến trận địa pháo tại Ngư Thủy từ trước đó rất lâu. Việc đơn vị pháo chính quy rút đi, một đơn vị dân quân nữ tiếp quản 4 khẩu pháo 85 ly, chắc chắn họ cũng biết. Đó là thứ hải quân Mỹ “không thèm” quan tâm. Kể cả tiểu đoàn 1, trung đoàn pháo binh 204 lập chiến công bắn cháy tàu chiến Mỹ đầu tiên, cũng phải sử dụng 4 khẩu pháo 130 ly. Nếu không có việc “coi thường” này của phía Mỹ, đội nữ pháo binh chắc chắn khó có thể lập công. Kế hoạch “nghi binh” rồi tung “quả đấm thép”, nhằm đẩy cự ly bắn phá của tàu chiến Mỹ ra xa bờ biển đã thành công. Trong suốt thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, miền Bắc với gần 1.000km bờ biển đã tránh đi được vô vàn những tổn thất nhờ chiến công này. Gần 50 năm qua, hiếm người biết được việc này.
Ông Trần Sự sinh năm Mậu Thìn (1928), quê làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (cùng làng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tỉnh đội trưởng - Chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Bình. Năm 1974, ông được điều động làm Chủ tịch tỉnh Bình Trị Thiên. Ông nghỉ hưu tại Đồng Hới (Quảng Bình). Gần 50 năm sau ngày ông Sự xuống trận địa ra mệnh lệnh “Phải bắn cháy tàu chiến Mỹ”, hình ảnh khiến ông nhớ nhất vẫn là cành mai vàng cắm trong chiếc lọ hoa làm bằng vỏ pháo 85 ly trên bàn thờ Tổ quốc tại đơn vị lúc ấy. Chắc hình ảnh đẹp ấy vừa giống những chị em nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng, lại vừa giống kế hoạch nhằm diệt tàu chiến Mỹ hoàn hảo năm xưa.
Ông là con người bình lặng trong đời sống, thế nên những bí ẩn tạo nên chiến công mang ý nghĩa cực kỳ to lớn của đội nữ pháo binh Ngư Thủy chẳng mấy ai biết. Ông cười khoan khoái: “Hết chiến tranh rồi, nói chuyện cấy cày thôi, nhắc tới “đánh đấm” làm chi?”.
Cán bộ Hội LHPN Việt Nam đến thăm Đại tá Trần Sự nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam.
|
Năm 1970, nhờ thành tích bắn cháy 3 tàu chiến của Mỹ, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, 37 nữ pháo binh Ngư Thủy đều được phong tặng Anh hùng. |
Một đội nữ pháo binh Ngư Thủy tác chiến năm 1969 (ảnh tư liệu).
|