Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối phó tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu: Cần giải pháp tổng thể

Hoàng Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn giao dịch NYMEX (New York, Mỹ) ngày 20/4 chốt ở mức âm (dưới 0 USD/thùng). Mức giá thấp này chưa từng có trong lịch sử.

 Vụ trưởng Vụ Dầu khí – Than (Bộ Công Thương) Nguyễn Việt Sơn 
Trước diễn biến này, Vụ trưởng Vụ Dầu khí – Than (Bộ Công Thương) Nguyễn Việt Sơn đã có những đánh giá về tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.
Xin ông cho biết việc giá dầu thế giới giảm sâu sẽ tác động đến ngành xăng dầu trong nước như thế nào?
- Thực tế việc giá dầu ở mức âm (dưới 0 USD/thùng) do ngày 21/4/2020 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020. Tại thời điểm này, người mua hợp đồng phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất.
Tuy nhiên, với tình trạng nhu cầu dầu thô, xăng dầu tại Mỹ đóng băng do dịch Covid-19, trong khi dầu thô vẫn được sản xuất, các kho chứa dầu, kể cả tàu biển và toa tàu hỏa đều đã chất đầy dầu thô thì việc nhận dầu vào thời điểm này và thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao.
Thực chất giá âm (dưới 0 USD/thùng) là mức giá được giao dịch giữa các thương nhân (trader) trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (Nhà máy lọc dầu). Số lượng dầu giao dịch ở mức âm (dưới 0 USD/thùng) là rất thấp.
Trong phiên giao dịch ngày 21/4, giá dầu trên các sàn giao dịch có giảm nhiều nhưng giá dầu Mỹ ngọt nhẹ giao tháng 6/2020 trên sàn giao dịch NYMEX duy trì ở mức khoảng 16 - 20 USD/thùng và giá dầu Brent trên sàn giao dịch ICE (London) vẫn ở mức 21 - 25 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô khai thác trong nước của Việt Nam thường được tham chiếu đến giá dầu thô Brent. Việc giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu trọng yếu của PVN gồm tổng doanh thu, cũng như nộp ngân sách Nhà nước (NSNN).
 Cửa hàng xăng dầu của PVOIL. Ảnh: Hoàng Anh
Theo tính toán, nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 19% so với kế hoạch năm, đạt 520.000 tỷ đồng (kế hoạch là 640,9 nghìn tỷ đồng); nộp NSNN toàn Tập đoàn PVN giảm 38,4% so kế hoạch năm, đạt 50,6 nghìn tỷ đồng (kế hoạch là 82,1 nghìn tỷ đồng); Trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 4,6 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN giảm 1 nghìn tỷ đồng.
Vậy Bộ Công Thương có biện pháp gì đối phó với tình trạng giá dầu xuống thấp nhất trong lịch sử?
- Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành dầu khí, PVN triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Theo đó, rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư.
Cùng với đó cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng. Tổ chức rà soát lại các nhiệm vụ thuộc công tác thăm dò - thẩm lượng, công tác phát triển mỏ mới, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2020 (đón đầu khi giá dầu tăng). Yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ chuẩn bị ngay các giải pháp ứng phó với nhu cầu dịch vụ cũng như giá dịch vụ sẽ giảm để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu lại các loại sản phẩm của PVN nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác. Tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2020. Cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách...
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp (tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh,…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.
Bộ đánh giá như thế nào về đề xuất ngừng nhập khẩu xăng dầu của PVN, thưa ông?
- Hiện tại, Việt Nam có 2 Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Liên Hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, các NMLD trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các NMLD trong nước cũng như khó khăn của các DN kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, DN sản xuất, kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Đáng chú ý khuyến khích, kêu gọi các DN tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các DN sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu; thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành...)
Xin cảm ơn ông!