Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội Quản lý thị trường số 11 xử lý 377 vụ với hơn 7,6 tỷ đồng

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2023 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã tập trung triển khai trực tiếp và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 377 vụ việc, xử phạt hơn 7,6 tỷ đồng.

Cửa hàng xăng dầu tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai đã bị xử lý về hành vi vi phạm  
Cửa hàng xăng dầu tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai đã bị xử lý về hành vi vi phạm  

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 11 Nguyễn Minh Khoán cho biết, ngoài kiểm tra thường kỳ tại quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, đơn vị còn tăng cường kiểm tra đột xuất hàng trăm công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh buôn bán các dạng mặt hàng và phát hiện 377 vụ việc.

Các vụ việc chủ yếu liên quan đến giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, thương mại điện tử, thực phẩm chức năng, chất lượng xăng dầu hàng lậu, niêm yết giá…Qua đó, Đội đã xử lý với hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 2,3 tỷ đồng và trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 1,6 tỷ đồng.

Trong đó vụ việc điển hình vào ngày 4/7/2023, Đội đã phối hợp với Công an quận Hà Đông và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế Hà Nội kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Kim Group) địa chỉ: Lô 01- CTT04, Luxury Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. 

Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số hàng hoá không có hóa đơn chứng từ, không có công bố chất lượng sản phẩm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE, trên nhãn ghi Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phân phối, Công ty CP đầu tư và phát triển BECORP tại địa chỉ tại khu Liền kề 223 - HTT3 - La Casta Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông.

Sản xuất tại Công ty CP dược phẩm TOP QUEEN Việt Nam tại địa chỉ: Ô 01/lô 15 điểm công nghiệp làng nghề xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội (NSX: 10/9/2022, HSD: 09/9/2024) có 84 hộp (hộp 01 lọ).

Viên uống hỗ trợ giảm cân Sbody Healthy Supplement Made in USA (MFG:08/5/2023, EFP: 07/5/2026) có 1.600 hộp; Viên uống hỗ trợ tăng cân Uweight Dietary Supplement Made in USA (MFG: 30/5/2023, EFP: 29/5/2026) có 5.000 hộp; Máy dán nhãn GPG Gearhead 5GN-10k không rõ nguồn gốc xuất xứ (đã qua sử dụng) có 1 chiếc.       

Nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe SLIM BE, trên nhãn ghi Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phân phối: Công ty CP đầu tư và phát triển BECORP tại địa chỉ: Liền kề 223 - HTT3 - La Casta Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Sản xuất tại: Công ty CP dược phẩm TOP QUEEN Việt Nam tại địa chỉ: Ô 1/lô 15 điểm công nghiệp làng nghề xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội có 30 kg. Toàn bộ số hàng hoá, nguyên liệu, máy móc phục vụ việc sản xuất, đóng gói trên đều không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định. 

Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có văn bản gửi Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đề nghị kiểm nghiệm/phân tích một số chất đối với 3 loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên.

Kết quả phiếu phân tích đối với 3 mẫu phân tích trên, như sau: Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ SLIM BE, định tính Sibutramin hydroclorid (C17H26C1N.HC1) có kết quả phân tích dương tính, hàm lượng 3,44 mg/viên.

Sản phẩm viên uống hỗ trợ giảm cân SBODY Healthy Supplement Made in USA, Định tính Sibutramin hydroclorid (C17H26C1N.HC1) có kết quả phân tích: Dương tính, hàm lượng 15,52 mg/viên.

Sản phẩm viên uống hỗ trợ tăng cân Uweight Dietary Supplement Made in USA, Phát hiện Cyproheptadin hydroclorid (C21H21N.HC1) có kết quả phân tích: Dương tính, hàm lượng 0,52 mg/viên.

Căn cứ theo Thông tư số 10/2021/TT - BYT ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế “Thông tư quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ” và Phụ lục V, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược” thì Sibutramin và Cyproheptadin là chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Nhận thấy, vụ việc có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm, Đội Quản lý thị trường số 11 đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật của vụ việc kiểm tra Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Kim Group tại địa chỉ: Lô 01- CTT04, Luxury Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá vi phạm 
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá vi phạm 

Hành vi vi phạm có diễn biến phức tạp

Tiếp đó, ngày 12/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 4, Phòng PC03 Công an TP và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội tiến hành kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Nhật Tuấn, địa chỉ thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành lấy 01 mẫu xăng RON 95 - III tại cửa hàng để kiểm nghiệm chất lượng. Lượng tồn xăng lúc này tại cửa hàng là 5.957 lít

Kết quả thử nghiệm mẫu xăng RON 95-III của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 - Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với mẫu xăng trên cho thấy chỉ số Octan của mẫu xăng RON 95-III (xăng không chì - mức 3) là không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Lượng hàng hóa vi phạm có trị giá trên 133 triệu đồng.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã trình Chủ tịch UBND TP ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân Nhật Tuấn với số tiền phạt: 333.148.725 đồng về hành vi hành chính Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng

Mặc dù đầu năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 11 cùng các đơn vị của quận Hà Đông và huyện Thanh Oai tổ chức tuyên truyền cho các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra đột xuất cùng các đơn vị liên ngành tại cơ sở kinh doanh đã phát hiện nhiều dấu hiện sai phạm.

Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 Nguyễn Minh Khoán, hiện nay, tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như các vi phạm về bảo hộ thương hiệu sản phẩm đang có những diễn biến rất phức tạp ở phạm vi rộng.

Trước diễn biến của tình hình thực tiễn hiện nay, mặc dù Đội đã tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Trong số 377 vụ xử lý từ đầu năm 2023 đến nay với hơn 7,6 tỷ đồng liên quan đến tiền xử phạt hành chính, giá trị hàng hóa tịch thu và giá trị hàng hóa tiêu hủy thì chỉ riêng đợt cao điểm ra quân từ ngày 15/12/2023 đến ngày 2/1/2024 của Đội Quản lý thị trường số 11 đã kiểm tra 37 vụ, xử phạt 524 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu 120 triệu đồng, giá trị hàng hóa tiêu hủy 318 triệu đồng…