Những con số buồn
Kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp đại diện cho 4 vùng lương trong cả nước cho thấy, mức lương cơ bản trung bình của người lao động là 2.430.000 đồng/tháng, trong đó vùng 1 là 2.770.000 đồng (bằng 139% mức lương tối thiểu), vùng 2: 2.443.000 đồng (bằng 137% mức lương tối thiểu), vùng 3: 2.377.000 đồng (bằng 153% mức lương tối thiểu), vùng 4: 2.135.000 đồng (bằng 153% mức lương tối thiểu).
Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công đoàn và Công nhân (Tổng LĐLĐ Việt Nam), năm 2012 do kinh tế lạm phát nên đời sống của người lao động bị ảnh hưởng khá lớn. Chỉ 6,6% người lao động có mức tích lũy, trong khi đó, khoảng 38,4% số lao động đang phải chi tiêu tiết kiệm tối đa mới đủ trang trải cuộc sống và 16,6% lao động cho rằng, thu nhập của họ không đủ sống…
Bữa ăn trưa của công nhân Công ty TOHO Việt Nam tại Khu công nghiệp Sài Đồng. Ảnh: Hải Linh
Tính về nhóm ngành nghề, lương cao nhất thuộc về lĩnh vực giao thông, xây dựng hơn 3,5 triệu đồng/tháng; thấp nhất là giày da với 2,6 triệu đồng/tháng. Tính về tổng thu nhập hàng tháng, khối doanh nghiệp Nhà nước đạt cao nhất với 4,5 triệu đồng/tháng, khối FDI hơn 3,7 triệu đồng/tháng, dân doanh 3,48 triệu đồng/tháng.
Con số từ cuộc khảo sát về thực trạng bữa ăn ca của người lao động tại 12 tỉnh, thành phố cũng chỉ ra rằng, đa số các doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động với mức bình quân mỗi suất ăn là 13.900 đồng/bữa (khoảng 368.000 đồng/tháng).
Trong đó, có 25% số người lao động cho biết, mức ăn giữa ca là 9.000 đồng/bữa; 46,5% hỗ trợ mức 13.000 đồng/bữa và 28,5% mức 20.000 đồng/bữa. Và có tới 24,3% số người lao động ở công ty cổ phần và 37,5% người lao động ở doanh nghiệp FDI cho biết, bữa ăn của họ thường thiếu thức ăn.
Câu hỏi vẫn khó trả lời
Bao giờ công nhân mới sống được bằng lương, câu hỏi này xem ra vẫn không dễ trả lời trong điều kiện hiện nay. Cả nước có 174 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 1,6 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.
Nhưng phần lớn lao động gặp nhiều khó khăn về nhà ở, tiện nghi sinh hoạt và chất lượng cuộc sống đều thấp và thiếu thốn. Nhiều doanh nghiệp chỉ trả lương thực tế cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu chút ít. Và với mức tiền lương ấy khó có thể đáp ứng được các nhu cầu không thể thiếu như ăn, ở, đi lại, mặc, sinh hoạt văn hóa và cả trăm thứ nữa. Đó là chưa nói đến việc họ còn phải nuôi con, khám - chữa bệnh.... Viện Công đoàn và Công nhân đề xuất Nhà nước cần sớm thành lập Hội đồng Lương quốc gia theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, đồng thời ban hành Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 và lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo ông Đặng Quang Điều, mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu, bao giờ doanh nghiệp cũng kêu khó bởi động chạm đến lợi nhuận. Tuy nhiên, với thực trạng khó khăn và sự trượt giá hiện nay, doanh nghiệp phải chia sẻ với người lao động để họ đủ trang trải cuộc sống và tái tạo sức lao động.
Ông Điều phân tích: Chúng ta đã có lộ trình điều chỉnh để đến năm 2015, tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu của người lao động. Nếu không điều chỉnh từ bây giờ với tỷ lệ bằng 80% mức sống tối thiểu thì đến năm 2015, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Rõ ràng, phương án cao nhất của Bộ LĐTB&XH chỉ đạt 70% mức sống tối thiểu. Cộng với mức độ trượt giá khoảng 8% mỗi năm thì đến năm 2015, khoảng cách này rất lớn.