Hết thời thiếu bác sĩ6 năm về trước, BV đa khoa huyện Phúc Thọ là một “điểm đen” của ngành y tế Hà Nội khi thiếu bác sĩ trầm trọng, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí “chiếc ghế” Phó Giám đốc BV cũng bị “chê”. Bác sĩ Nguyễn Minh Tú – Giám đốc BV Phúc Thọ cho biết, thời điểm đó BV Phúc Thọ là BV hạng 3, có 15 khoa phòng, nhưng chỉ có 24 bác sĩ làm việc. Nguồn bác sĩ không được tinh túy, nên nhiều bác sĩ phải đi học thêm các chuyên khoa khác và thực chất chỉ có 14 bác sĩ làm việc hàng ngày. Đau lòng nhất thời điểm này, Phúc Thọ là BV duy nhất không có khoa sản, nên người dân trên địa bàn đau đẻ là phải đến "đẻ nhờ" ở BV huyện khác.
|
Hướng dẫn người bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trần Nga |
Nay thì những khó khăn thời đó đã được khắc phục nhờ đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới, đồng thời cơ sở vật chất trang thiết bị của BV cũng được TP đầu tư. Nếu như trước tháng 7/2014, mỗi tháng BV chỉ đỡ đẻ từ 5 - 7 ca, thì nay đã tăng lên 180 – 200 ca/tháng, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sinh đẻ toàn huyện và một số xã của các huyện lân cận. Đặc biệt, trước tháng 7/2014, BV không phẫu thuật được do thiếu bác sĩ gây mê, thì nay đã có thể phẫu thuật nội soi áp dụng thường quy cho các trường hợp chửa ngoài tử cung, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn...
Không chỉ tại BV Phúc Thọ, tình trạng thiếu bác sĩ ở các BV tuyến huyện khác đã được xóa bỏ. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho hay, nhờ được đầu tư phát triển nguồn nhân lực mà đến nay số bác sĩ tại các BV huyện đã nâng lên cả về chất và lượng. Một số BV đã có thể cấp cứu kịp thời cho những ca nguy hiểm như BV huyện Thạch Thất đã cứu sống người bị đâm thủng tim, cứu sống mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung đột ngột... Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành y tế Thủ đô.
Phát triển kỹ thuật caoTheo TS Nguyễn Khắc Hiền, song song với đầu tư nguồn nhân lực, các BV tuyến huyện đã được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để có thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phát triển các kỹ thuật cao. Nhờ vậy, đến nay 100% các BV tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến... Các BV huyện Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, nhiều BV huyện khác đã phát triển được các kỹ thuật của các BV hạng I trong lĩnh vực ngoại khoa, sản khoa, tim mạch... “Sự phát triển về chất lượng chuyên môn của các BV tuyến huyện đã thu hút người dân đến khám, xóa dần khoảng cách giữa các tuyến, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên” – TS Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, 100% các BV tuyến huyện đã thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi quy trình khám chữa bệnh, cắt bỏ những thủ tục rườm rà để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Như BV huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất... đã triển khai bộ phận tiếp đón, trực tiếp đón tiếp tư vấn người dân khi đến khám, hệ thống lấy số tự động, loa phát thanh thông báo hướng dẫn người bệnh, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc BV để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý những phản ánh của người bệnh. Đặc biệt, 100% các BV chú trọng đến kỹ năng giao tiếp ứng xử với người bệnh của bác sĩ và điều dưỡng, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân.
Tuy nhiên, TS Hiền lưu ý, địa bàn Thủ đô là nơi tập trung nhiều BV lớn, đầu ngành của T.Ư nên các BV tuyến huyện muốn khẳng định vị trí của mình cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn của các bác sĩ, tạo niềm tin cho người bệnh.