Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối thoại công chúng hướng tới tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN - EU

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nằm trong Chương trình Tăng cường năng lực đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) cho ASEAN, hôm nay (21/9) tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn đối thoại công chúng với chủ đề hội nhập kinh tế ASEAN-EU, do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức.

Sự kiện này là một trong chuỗi các diễn đàn tương tự được EU tài trợ tổ chức tại một số thủ đô và thành phố lớn của các nước ASEAN trong năm 2012 và 2013. 

 

Đối thoại công chúng hướng tới tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN - EU - Ảnh 1

 

Bên cạnh các quan chức Chính phủ Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác, Diễn đàn Hà Nội đã thu hút sự tham dự đông đảo của đại diện khu vực tư nhân, viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức công đoàn. Đối với công chúng và các bên liên quan tại Việt Nam, Diễn đàn cũng là cơ hội để các đại biểu chia sẻ quan ngại và kỳ vọng về quan hệ Việt Nam-EU trước vòng đàm phán FTA song phương đầu tiên giữa hai bên, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2012.

 

Ông Jean-Jacques Bouflet, Tham tán Thương mại Phái đoàn EU khẳng định: “Quan hệ EU-Việt Nam đã và đang trên đà phát triển thời gian gần đây. Từ sau khi EU và Việt Nam ký thỏa thuận đối tác mới, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong trao đổi song phương. Diễn đàn đối thoại hôm nay do EU tài trợ, là cơ hội để chúng tôi tiếp tục thể hiện cam kết của mình hướng tới mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam nói riêng và với khu vực ASEAN nói chung".

 

Ngoài việc thể hiện những mong muốn của ASEAN và EU nhằm củng cố quan hệ kinh tế, bao gồm việc ký kết các FTA song phương, diễn đàn lần này cũng thảo luận một số vấn đề liên quan đến cải cách quản lý – yếu tố quan trọng trong cải cách cơ cấu kinh tế, nhân tố cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn đối với Việt Nam và ASEAN, cũng như khu vực Đông Nam Á nhằm thu được lợi ích kinh tế toàn diện thông qua trao đổi thương mại và đầu tư với EU.

 

Tại Diễn đàn, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương) cho rằng, cải cách quản lý là bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi từ một hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế mở định hướng thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi. Bên cạnh những thành tựu đạt được về thể chế và pháp lý, khuôn khổ pháp luật kinh tế của đất nước cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Ví dụ trong lĩnh vực thương mại, nhiều cải cách đã được thực hiện nhằm tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam, bao gồm cả việc loại bỏ dần thuế quan và các hàng rào phi thuế quan.

 

Đồng quan điểm này, TS. Đào Ngọc Tiến, Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để Việt Nam thực hiện cải cách quản lý ở cấp độ quốc gia. Mặc dù những cải cách trong nước đã có những đóng góp rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Do đó, một hiệp định thương mại song phương với EU sẽ tạo thêm động lực để tiếp tục đổi mới quản lý trong nước.

 

Đáng chú ý, các diễn giả tại Diễn đàn Hà Nội lần này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một cách tiếp cận từ dưới lên nhằm thúc đẩy cải cách quản lý tại Việt Nam. TS. Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, sự tham gia của khu vực tư nhân và các bên liên quan là rất cần thiết để đảm bảo quá trình cải cách quản lý trong nước. Bà Trang cũng khuyến khích khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia tích cực hơn vào đàm phán FTA Việt Nam-EU trong thời gian tới.

 

Năm 2011, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU trong các nước ASEAN, với tổng giá trị thương mại song phương 18 tỷ Euro, gồm 12,8 tỷ Euro giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU và 5,2 tỷ Euro giá trị nhập khẩu từ EU. Trong nửa đầu năm 2012, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu hàng hóa khoảng 7,3 tỷ Euro, chiếm tỉ trọng 17,14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

EU hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 2011, tổng giá trị đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 1,76 tỷ USD (tương đương 1,40 tỷ Euro), chiếm hơn 12% tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2011.