Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối thoại cùng 400 thanh niên lần đầu đi bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/3, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức đối thoại thanh niên (số 01) với chủ đề “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội”.

Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng sự tham gia của 400 thanh niên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là cử tri lần đầu đi bầu cử (đủ 18 tuổi đến dưới 19 tuổi).

 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Tru ... Thiện Nhân đối thoại với các bạn trẻ
 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với các bạn trẻ
Theo đó, từ năm 2016, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam triển khai Chương trình đối thoại pháp luật, chính sách thanh niên, áp dụng cho các đối tượng thanh niên trên phạm vi cả nước. Tại buổi đối thoại, trước câu hỏi về nhận định vai trò của thanh niên trong công tác bầu cử hiện nay, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp là ngày hội lớn của đất nước, dân tộc. Tuổi trẻ cả nước hiện chiếm 24,4% dân số, trong đó có 12% đủ điều kiện đi bầu. Thanh niên phải hiểu mỗi lá phiếu của các bạn góp phần quan trọng cũng như quyết định chất lượng của việc bầu cử, lựa chọn người đó có xứng đáng là đại biểu quốc hội hay không.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ: Một người thanh niên yêu nước phải làm mọi việc có thể để cống hiến cho đất nước, trong đó có bầu cử, để sáng suốt lựa chọn người thay mặt mình lãnh đạo đất nước ngày một phát triển. Chọn không đúng là thiệt cho mình, thiệt cho đất nước.

Chia sẻ về quan điểm trong vấn đề một người trong gia đình đại diện đi bầu, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: Khi ở tuổi 18, chúng ta đã trưởng thành và được phép lựa chọn nhiều quyết định. Đi bầu cử là lợi ích, nghĩa vụ và quyền lợi. Nếu chúng ta đi bầu thay, có đơn kiện tụng, công cuộc bầu cử sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí cũng như tổn hại đến nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, chúng ta hãy trực tiếp cầm phiếu đi bầu và là những người tiên phong tuyên truyền với việc này với mọi người.

Đối với vấn đề làm thế nào để tăng số lượng thanh niên trong đại biểu Quốc hội, HĐND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, người trẻ ngày càng phải tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tình yêu đất nước thể hiện từ những việc làm rất cụ thể như làm tốt công tác bầu cử để sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng, góp phần xây dựng đất nước…
Các em học sinh đặt câu hỏi tới đại biểu khách mời.
Các em học sinh đặt câu hỏi tới đại biểu khách mời.
Ngoài việc trả lời những thắc mắc của thanh niên trong vấn đề bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng đặt câu hỏi đối với thanh niên về vấn đề Việt Nam có tương lai không? Tại sao?. Các đại biểu trẻ khẳng định: Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Lòng yêu nước ấy được thể hiện từ bậc cha ông cho đến lớp thanh niên ngày nay. Việt Nam có tinh thần đoàn kết, đã được khẳng định trong lịch sử với công cuộc dựng nước và giữ nước. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có tương lai tươi sáng bởi chúng ta đang là đất nước phát triển về kinh tế và có sức mạnh trí tuệ.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến trái chiều, như bạn Nguyễn Quỳnh Chi (học sinh lớp 10, THPT Nhân Chính) cho rằng, có nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, môi trường đào tạo và rèn luyện học sinh chưa tốt khi học tập tại Việt Nam. Trao đổi về những vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định, không có đất nước nào trên thế giới mà tất cả sinh viên học đại học ra trường đều có việc làm. Đại học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là kĩ năng, trải nghiệm. Đồng quan điểm với ông Nguyễn Sỹ Dũng, TS. Đoàn Hương nhắn gửi: Thanh niên hãy vun đắp tinh thần tự lập , “Biết cứu mình, trước khi chờ người khác cứu mình”…

Đối với kỳ vọng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp đến, nhiều thanh niên trẻ cho rằng, các thông tin về các ứng cử viên còn ít, chỉ có một số thông tin về tên tuổi, quê quán, trình độ học vấn, chức vụ công tác mà thiếu đi các thông tin về quá trình phấn đấu hay đạo đức lối sống của cá nhân đó tại khu vực dân cư… Nếu thêm các thông tin đó thì các cử tri sẽ dễ dàng lựa chọn những người xuất sắc nhất cho lá phiếu của mình. Qua đó, mọi người sẽ chọn ra những con người thực sự có tài, có đức.