Đủ hành lang pháp lý
Đối thoại về Phòng chống tham nhũng (PCTN) là sự kiện được tổ chức định kỳ 2 lần/năm giữa Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế. Với chủ đề "Đánh giá tác động, hiệu quả của các kỳ Đối thoại về phòng chống tham nhũng đối với công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam", cuộc Đối thoại lần thứ 10 diễn ra sáng 29/11 tại Hà Nội đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy thách thức, cam go.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN (gọi tắt là Ban chỉ đạo), trong 5 năm qua, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách phòng chống tham nhũng như minh bạch tài sản, thu nhập, kiểm tra, giám sát... trên 300 văn bản các loại.
Các kỳ Đối thoại Phòng, chống tham nhũng những năm tới sẽ thay đổi theo định kỳ 1 lần/năm, trước thềm Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm. Đối thoại sẽ mở rộng thành phần tham dự để có đại diện của của chính quyền địa phương. |
Tính chung với các bộ, ngành, địa phương, số văn bản các cấp đã ban hành đến nay là trên 5.200 văn bản pháp quy. Đây là hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho công tác phòng chống tham nhũng tại nước ta. Nhờ đó, trong vòng 5 năm, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý dứt điểm 18/26 vụ án nghiêm trọng và phức tạp, theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc xử lý 24 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp khác, trong đó xử lý dứt điểm 11 vụ. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, giai đoạn 2007 - 2011 các cơ quan tố tụng đã khởi tố 1.406 vụ với 3.035 bị can về các tội tham nhũng, bình quân mỗi năm khởi tố khoảng 280 vụ với trên 600 bị can.
Mặc dù vậy, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn thừa nhận: "Công tác phòng chống tham nhũng vẫncòn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tạo được chuyển biến cơ bản, tham nhũng còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của xã hội".
*"Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, mạnh mẽ và rộng rãi, để người dân và tổ chức xã hội tham gia ngày càng nhiều hơn vào công tác phòng chống tham nhũng. Chúng tôi sẽ mở rộng thông tin với các cơ quan báo chí, đặc biệt với người dân và chính quyền địa phương". Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh *Phòng chống tham nhũng là vấn đề nan giải nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi và phải mất nhiều thế hệ mới giảm bớt được, bằng chứng là ở một số quốc gia cũng trong thời kỳ chuyển đổi như: Romania, Bulgaria và Gruzia, tham nhũng đã giảm từ năm 2002 - 2005 và giảm tiếp từ năm 2005 - 2008. Ở cả 3 nước này, nổi bật nhất là đã có Luật tiếp cận thông tin, việc kê khai tài sản và lợi tức đã được thực hiện quyết liệt và công khai cho người dân, thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa tối đa. Ông James Anderson Chuyên gia của WB |
Lời nói phải đi liền với hành động
Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ cũng đưa ra nhiều cam kết cho vấn đề này, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện. Theo Cố vấn chính sách Jairo Acuna-Alfaro của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, lời nói của Chính phủ phải đi liền với hành động cụ thế. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ chỉ có hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự đại diện cho tiếng nói và sự giám sát của cộng đồng nhân dân, các cơ quan báo chí.
Đại diện UNDP Việt Nam dẫn chứng một kết quả khảo sát, có đến 85,4% số cán bộ, công chức và 78,2% người làm trong các doanh nghiệp được hỏi đã trả lời rằng họ "không quan tâm tới PCTN bởi lo ngại bị trù dập". Các nghiên cứu dẫn chứng này cho thấy môi trường xã hội hiện nay chứa đựng nhiều thách thức cho việc tố giác hay tố cáo, đồng thời giải thích vì sao: "Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế" được nêu trong báo cáo tổng kết 5 năm của Ban chỉ đạo.
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quan ngại, tham nhũng đã và đang làm xói mòn các doanh nghiệp nhà nước, là nguyên nhân khiến đầu tư công hiệu quả thấp, thường xuyên bị trì hoãn, kéo dài. Sự vụ tại Vinashin chính là ví dụ đau xót cho thấy cung cách làm ăn yếu kém, đầu tư dàn trải gây thua lỗ thiệt hại cho nền kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước. Tại cuộc đối thoại, các nhà tài trợ đã hối thúc Chính phủ đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng nhằm cải thiện hiệu quả đầu tư công, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Ghi nhận các ý kiến, góp ý của các nhà tài trợ quốc tế, các đại biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, phòng chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của Chính phủ, Việt Nam cam kết sẽ có nhiều biện pháp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giảm thiểu tham nhũng, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin các nhà tài trợ.
Công khai, minh bạch để chống tham nhũng Ngày 29/11, UBND TP Hà Nội đưa ra kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, nhằm xây dựng tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn… Với 12 nội dung cụ thể cần thực hiện trong năm 2012, trong đó tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm công khai minh bạch, đặc biệt trong một số lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng như: Xây dựng cơ bản, thuế, quản lý và sử dụng đất, quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công… Trần Hà |