Trong nỗ lực xây dựng văn hóa học đường, ngoài chương trình, sách giáo khoa, chất lượng dạy và học… cần quan tâm đến môi trường giáo dục, tâm lý học trò, dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên (HS, SV). Đây là góc quan trọng để loại bỏ các hiện tượng bạo lực, tiêu cực đang báo động nơi trường học, góp phần định hướng lối sống lành mạnh cho giới trẻ… Vậy nhưng bài toán này vẫn đang chờ lời giải từ sự nhiệt huyết và năng động của các nhà quản lý giáo dục.
Tư vấn tâm lý (TVTL) học đường là hoạt động góp phần định hướng, hỗ trợ HS, SV vượt qua khó khăn trong học tập, rèn luyện và cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động này trong các nhà trường hiện chưa đáp ứng được nhu cầu khiến nhiều em hoang mang khi gặp phải vấn đề nhạy cảm.
Hơn 93% học sinh, sinh viên cần chia sẻ
Bên cạnh những giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập như sự năng động, tích cực, hiểu biết rộng…, có không ít ảnh hưởng tiêu cực đang xâm nhập vào lối sống cũng như trong học tập của một bộ phận HS, SV. HS phổ thông đang chập chững lớn thường có nhiều biểu hiện đáng lo ngại như khúc mắc trong học tập, mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… SV chưa quen với phương pháp học mới, khó xác định được kế hoạch học tập, định hướng nghề nghiệp, phải sống tự lập sớm nên bỡ ngỡ trước việc tổ chức cuộc sống, va chạm với các hiện tượng tiêu cực. Kết quả cuộc khảo sát do Bộ GD&ĐT thực hiện tại một số trường THCS, THPT, ĐH ở Hà Nội và Hải Dương được công bố mới đây cho thấy, có đến 93,57% HS, SV khi được hỏi cho biết gặp phải những vướng mắc trong học tập và đời sống thường ngày rất cần được chia sẻ. Đặc biệt, ở lứa tuổi HS phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%.
Ai cũng hiểu rằng, nếu HS, SV không được định hướng, giải tỏa kịp thời rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc: Nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường…, thậm chí tự kỷ. Chỉ nhẩm tính trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại đây đã đủ giật mình: Ngày 26/12/2014, 2 HS lớp 10 ở Nghệ An thắt cổ tự tử vì bị gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm; Đêm 13/12/2014, nam sinh lớp 12 ở Tiền Giang nhảy sông tự vẫn vì bạn gái chia tay; Ngày 11/12/2014, 2 nữ sinh THPT ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cùng treo cổ tự tử tại phòng trọ; một HS ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) uống thuốc diệt cỏ vì bị bạn đưa lên Facebook hình ảnh ghép phản cảm; Một lớp trưởng gương mẫu đã tự tử vì bị đổ oan làm mất tiền của lớp… Tình cảm rối ren, áp lực học hành, gia đình mâu thuẫn… là nguyên nhân dẫn đến những hành xử tiêu cực của các em. Ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội còn cho biết, có những trường hợp HS chỉ bị thầy cô giáo mắng cũng dẫn đến trầm cảm, định tự tử và cũng đã có những chuyện đau lòng xảy ra.
Đến Trung tâm TVTL cho SV của Học viện Nông nghiệp Việt Nam mới thấy, mỗi tháng, Trung tâm nhận được đề nghị tham vấn của trên 500 SV. Nghĩa là nhu cầu chia sẻ của SV là rất lớn - một nhu cầu thiết thân của các em.
Giãi bày với ai?
“Ở độ tuổi HS, SV, khi tâm sinh lý các em chưa phát triển hoàn thiện, những áp lực tâm lý là rất lớn và các em cần có người thấu hiểu tâm lý để biết cách giải quyết các vấn đề của mình” – ông Nguyễn Hiệp Thống thừa nhận. Đa số HS, SV được hỏi đều mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách TVTL được đào tạo bài bản, có chuyên môn để các em giãi bày, chia sẻ. Lê Linh – SV trường ĐH Văn hóa thật thà: “Có những điều diễn ra nơi trường học mà bản thân em cũng không biết giải quyết như thế nào, nhưng không thể nói được với bố mẹ. Nếu như ở đây có thầy cô hiểu và quen với những chuyện của SV và giảng đường thì bọn em sẽ dễ chia sẻ hơn”.
Tuy nhiên, hoạt động TVTL học đường cả trong trường phổ thông lẫn các trường CĐ, ĐH chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, quá trình đào tạo của hầu hết các trường thường chỉ chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn, ít quan tâm đến các kỹ năng xã hội, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Lác đác một vài nơi đã lập phòng và câu lạc bộ TVTL, nhưng thường ghép chung với phòng y tế hoặc phòng Đoàn - Đội. Ở đó, thiết bị phục vụ cho tư vấn không đầy đủ, cán bộ tư vấn chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, không chuyên nghiệp nên chưa hiệu quả. Và HS, SV thường gặp những trở ngại tâm lý trong giao tiếp mà họ không phát hiện được hoặc không thể vượt qua. Có thể “điểm danh” một số “địa chỉ” TVTL học đường như câu lạc bộ ở trường THPT Trần Quốc Tuấn (Phú Yên), trường THCS và THPT Lê Hồng Phong (Sóc Trăng)… Ngay ở Hà Nội, phòng TVTL của trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng từng được nhắc tới như một điển hình, song chính các thầy cô “vào vai” người tư vấn cũng thừa nhận: Không phải em nào cũng sẵn sàng chia sẻ chuyện riêng tư của mình và không phải em nào cũng “vừa lòng” với cách mà các thày cô đưa ra…
Thế nên, nhiều em lặng lẽ tìm đến các diễn đàn trên các mạng xã hội để chia sẻ, và việc nắm bắt tâm lý HS, SV vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
(Còn nữa)
Kinhtedothi - Khó tìm được nơi giãi bày
Giờ ôn tập Ngữ văn tại trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng
|