Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội tuyển Petanque hướng đến 2 chiếc HCV

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trung tuần tháng 11, lần đầu tiên petanque Việt Nam giành được huy chương cấp thế giới sau hơn 10 năm khôi phục và phát triển. Tiếp ngay sau đó là 3 chiếc HCB châu Á. Dù vậy, phía sau thành tích trên, petanque vẫn còn khá nhiều nỗi lo trước khi sang Lào.

KTĐT - Trung tuần tháng 11, lần đầu tiên petanque Việt Nam giành được huy chương cấp thế giới sau hơn 10 năm khôi phục và phát triển. Tiếp ngay sau đó là 3 chiếc HCB châu Á. Dù vậy, phía sau thành tích trên, petanque vẫn còn khá nhiều nỗi lo trước khi sang Lào.

Chuyện ở giải vô địch thế giới

Năm 2007, đội nam petanque Việt Nam đã góp mặt ở đấu trường thế giới tại Pattaya (Thái Lan) nhưng không đạt kết quả như mong đợi. Năm nay, đội nữ lần đầu bước vào đấu trường trên và giành được HCĐ nội dung bộ ba. Từ giải này, BHL đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.

Theo HLV Bùi Công Phú, dù lần đầu tham dự nhưng đội nữ Việt Nam đã gây ngạc nhiên cho bi thủ châu Âu, vì trước đây họ chỉ biết đến Thái Lan. Khi Việt Nam gặp Tunisie ở tứ kết, tất cả bi thủ nước ngoài đều tập trung theo dõi. Và sau khi nhận huy chương, rất nhiều đoàn đến xin chụp ảnh chung với đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, thành tích Việt Nam chỉ dừng lại mức độ như vậy vì chỉ có Thúy Diễm ổn định phong độ, 3 bi thủ còn lại thì “trận được, trận không”.

Về khách quan, điểm đáng chú ý là các bi thủ phương Tây, Thái Lan, Lào chơi petanque vì đam mê. Các nữ bi thủ Tây Ban Nha có người đang hành nghề bác sĩ, hoặc là nhà nghiên cứu khoa học. Sau một tuần làm việc căng thẳng, hầu hết 2 ngày nghỉ cuối tuần, họ đều đến sân petanque để thư giãn. Rồi từ trình độ tri thức của mình, khi họ bo hay lom một quả bi đều có ý đồ chiến thuật rõ rệt. Trong khi đó, các bi thủ Thái Lan, Lào lại được trải nghiệm trên rất nhiều sân bãi khác nhau. Sau một ngày thi đấu căng thẳng, vậy mà các bi thủ Thái Lan vẫn ở lại chơi đến 2-3 giờ sáng.

Có lần sang Lào, người viết cũng chứng kiến nhiều bi thủ đi trên những chiếc ô tô đến khắp nơi thi đấu đến khuya vào cuối tuần. Thế nên, họ dễ dàng thích ứng với sân bãi, trong lúc phong trào ở Việt Nam còn mỏng, nên bi thủ không có cơ hội trải nghiệm này.

Một HLV người Pháp nhận xét về các bi thủ Việt Nam: “Các bạn chơi có bài bản nhưng bản lĩnh chưa dày dạn”. Bên cạnh đó, một vài VĐV Việt Nam còn hạn chế về trình độ văn hóa, nên không thể giải quyết được một số tình huống phức tạp phát sinh trên sân đấu.

Phấn đấu đoạt 2 HCV

Môn petanque tại SEA Games 25 có 11 bộ huy chương (thi đấu từ ngày 10 đến 18-12) và Việt Nam cử 24 VĐV tham dự đầy đủ các nội dung. Xét tương quan lực lượng, đây vẫn là cuộc chơi của “tứ đại gia” Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Tại giải vô địch châu Á 2009, Thái Lan chứng tỏ sức mạnh vượt  trội khi giành trọn 4 HCV, còn Việt Nam giành được 3 HCB, ngôi á quân còn lại thuộc về Lào. Nói khác đi, Thái Lan ngày nay đã vươn lên tầm thế giới ở các nội dung truyền thống. Ngay cả nhà vô địch bắn bi nam thế giới Phusaad (Thái Lan) nay đã chuyển sang bo bi, đủ biết họ dư thừa lực lượng ra sao.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có cửa cho Việt Nam, vì chúng ta cũng có những VĐV vững chuyên môn như Thúy Diễm, Phượng Em, Vũ Thị Thu, Nguyễn Thị Hiền, Thu Ngân, Thanh Phong, Khang Duy… Vả lại, tại đấu trường SEA Games 24, Việt Nam từng đoạt HCV đôi nam-nữ (Thạch Hữu Tâm-Vũ Thị Thu), và mới đây Nguyễn Thị Hiền đã vô địch đơn nữ tại AIG 3 hồi đầu tháng 11.

Trao đổi cùng SGGP Thể Thao, HLV Bùi Công Phú cho biết, hiện nay toàn đội vẫn đang miệt mài ôn luyện tại Hà Nội chờ ngày lên đường. Ông không tiết lộ những nội dung Việt Nam sẽ tập trung giành thành tích cao, do đây là vấn đề rất nhạy cảm mà chủ nhà sẽ hưởng lợi vì nắm được danh sách đăng ký. Theo ông, tuy rất khó khăn nhưng tùy theo thực tế, BHL sẽ bố trí lực lượng hợp lý nhất và phấn đấu đoạt 2 HCV.