Những điểm nhấn
Vụ đông 2013, huyện Thường Tín triển khai thí điểm mô hình trồng bí xanh Thiên Thanh áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu tại 9 xã Nghiêm Xuyên, Khánh Hà, Duyên Thái... với diện tích 9,1ha. Đây là giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao nên được bà con nông dân hồ hởi đón nhận. Ông Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên chia sẻ, với 4 mẫu diện tích thí điểm ban đầu, bí xanh Thiên Thanh cho năng suất 600 - 700 tạ/sào, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, thu nhập cao gấp 3 lần cấy lúa... Trên cơ sở thành công đó, vụ xuân 2014, huyện Thường Tín tiếp tục triển khai mô hình trồng bí xanh Thiên Thanh tại hai xã Duyên Thái và Khánh Hà với diện tích 3ha.
Ngoài bí xanh, ở 7 xã vùng bãi khu vực phía Đông của huyện đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn quy mô lớn với diện tích 336ha. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các xã Hà Hồi (49,3ha), Thư Phú (43ha), Tân Minh (50ha). Theo ông Vũ Văn Tuân - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, trên cơ sở đặc điểm của địa phương, mỗi vùng sản xuất đều lựa chọn cho mình loại cây trồng chủ lực phù hợp. Một trong những điểm nhấn của nông nghiệp Thường Tín là các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Hiện, toàn huyện có 10 xã có diện tích lúa hàng hóa chiếm từ 70 - 80% diện tích gieo cấy như Tô Hiệu, Quất Động, Minh Cường, Văn Tự, Chương Dương,… Trong vụ xuân 2014, giống lúa thơm chiếm tới 35% cơ cấu giống lúa của huyện. Ông Tuân tính toán, giá lúa thơm vào khoảng 9.000 đồng/kg, cao hơn 4.000 đồng/kg so với giống Khang Dân. Như vậy, mỗi sào lúa thơm cho hiệu quả cao hơn 200.000 đồng so với lúa thường.
Đồng hành cùng nông dân
Để các mô hình kinh tế mới thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân, huyện Thường Tín đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ sản xuất. Đơn cử, với mô hình trồng bí xanh Thiên Thanh, huyện hỗ trợ toàn bộ 100% giống, 3kg đạm và 5kg kali/sào cho các hộ dân tham gia thí điểm vụ đầu. Đồng thời phối hợp với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân theo quy trình sản
xuất an toàn. Ông Lê Tuấn Dũng - Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Tín cho biết, hàng năm, huyện hỗ trợ 50% giá giống lúa, đậu tương, ngô cho bà con nông dân và dành kinh phí 4 - 5 tỷ đồng cho việc đào đắp kênh mương thủy lợi.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của TP cho chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, huyện Thường Tín còn dành một nguồn kinh phí hỗ trợ cho các xã, thị trấn mua máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp... Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa được cấp vào ngân sách của từng xã để tăng trách nhiệm trong việc quản lý vốn, thời gian vay vốn trong vòng 36 tháng.
Để tạo đà cho các vùng sản xuất hàng hóa, huyện Thường Tín chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa. Tính đến nay, toàn huyện đã dồn đổi được 3.956ha. Bà Chu Thị Minh Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, trong năm 2014, huyện phấn đấu hoàn thành dồn điền đổi thửa hết diện tích 4.302,1ha theo kế hoạch của huyện giao trong năm 2013. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trồng rau gia vị tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín. Ảnh: Hoàng Hà
|
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2013 của huyện Thường Tín đạt 1.321 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu/người/năm. |