Kể từ khi Hiệp định đình chiến được ký kết cách đây gần 60 năm đến nay, chưa khi nào hai phía xô đẩy nhau tới gần khả năng tái phát chiến tranh đến như vậy. Điều đáng được chú ý ở lần leo thang căng thẳng và đối địch này là hai phía đều hành xử theo cách thức vẫn hành xử lâu nay. Mỹ và Hàn Quốc vẫn tập trận chung đều đều hàng năm. Triều Tiên vẫn thử hạt nhân và tên lửa bất chấp nguy cơ có những nghị quyết mới của HĐBA Liên Hợp quốc bất lợi hơn cho mình. Cái khác trước ở lần này là tái phát chiến tranh được sử dụng để răn đe lẫn nhau. Bên nào cũng muốn phát đi thông điệp về phía bên kia là đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. Bên nào cũng chủ ý tạo ấn tượng buộc phải làm việc hoàn toàn không muốn làm. Ai cũng muốn hiện diện là nạn nhân chứ không muốn bị coi là thủ phạm.
Cách thức họ cân não nhau cũng đặc biệt hiếm thấy, có bài bản rõ ràng và điều chỉnh mức độ. Rõ ràng là cả hai phía đều đã trù tính từ trước đó đến khả năng này và không bị bất ngờ về những gì đã và đang diễn ra. Họ đang cùng nhau chơi một ván bài ngửa thực sự, biết hết bài nhau nhưng không bên nào muốn tung con chủ bài đầu tiên. Có thể thấy qua đó cả hai phía đều không chủ ý xô đẩy nhau đến chiến tranh mà dùng nguy cơ chiến tranh để tránh chiến tranh. Mục tiêu chính của những đòn cân não nhau trong thời gian vừa qua chính là thế. Tuy nhiên, cũng phải thấy cứ tiếp tục như thế sẽ có nguy cơ đi quá xa, làm quá đà mà không ý thức được kịp và một khi không còn kiểm soát được diễn biến tình hình thì sẽ vô cùng tai hại.