Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đón cơ hội từ nguồn vốn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nền kinh tế đã thoát khỏi ngưỡng thu nhập thấp, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ giảm dần. Điều này khiến Việt Nam phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh dựa vào nội lực, Việt Nam vẫn cần tranh thủ các nguồn lực bên ngoài trên tinh thần chủ động hợp tác với các nhà tài trợ.

Không chỉ tài trợ mỗi vốn

Theo đánh giá của các nhà tài trợ, Việt Nam đã chứng kiến những đổi thay toàn diện trong đời sống kinh tế và xã hội. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình vào năm 2010 và mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.600 USD. Điều đó có nghĩa, Việt Nam cần nhường lại nguồn vốn vay viện trợ không hoàn lại cho các nước nghèo hơn. 
Nguồn vốn vay ODA đã giúp Việt Nam cải thiện mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng. Ảnh: Việt Hùng
Nguồn vốn vay ODA đã giúp Việt Nam cải thiện mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng. Ảnh: Việt Hùng
Trong buổi làm việc mới đây trước thềm Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển (VDPF - dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tới, thay thế Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam),  bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: Với chủ đề "Hướng tới tăng trưởng bền vững, cạnh tranh và toàn diện" VDPF là cơ hội để các bên cùng nhau đối thoại về chính sách, trên tinh thần hợp tác và xây dựng. Không như trước đây, hiện nay các nhà đầu tư quốc tế đã biết rõ hơn về Việt Nam và ngược lại. Do đó, giữa Việt Nam và nhà tài trợ có thể bàn thảo về phương thức hợp tác vào bất cứ khoảng thời gian nào, thay vì đưa ra một con số vào mỗi cuối năm như các diễn đàn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) trước đây. "Đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề con số không còn mục tiêu lớn nhất nữa. Điều quan trọng là sau cuộc họp, các bên tìm ra được giải pháp để giải quyết những thách thức mới đặt ra" - Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định.

Cơ hội từ nguồn vốn IDA

Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương "Tầm nhìn từ nay với năm 2020 và các năm tiếp theo với mục tiêu nâng cao trình độ phát triển, Việt Nam chủ trương dựa vào nội lực đồng thời kết hợp tiếp tục tranh thủ các nguồn lực bên ngoài". Chính vì thế với việc nguồn vốn vay ưu đãi từ quốc tế suy giảm, Việt Nam phải cân nhắc đến những nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn. Theo Phó Chủ tịch Tổ chức tài chính quốc tế IFC khu vực châu Á - Thái Bình Dương Karin Finkelston, Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi từ vốn vay ưu đãi (IDA). Đây là tập hợp các nguồn lực được đóng góp bởi các nước phát triển hơn từ châu Âu, các nước Mỹ Latin... để cho phép một quốc gia tiếp tục hưởng lợi từ các nguồn vốn ưu đãi này. Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này ít nhất là trong giai đoạn 2014 - 2017.

Tiêu chuẩn để được vay vốn IDA tùy thuộc vào mức độ đói nghèo tương đối của quốc gia đó, được xác định dựa trên tỷ lệ tổng thu nhập quốc dân (GNI) theo đầu người dưới ngưỡng quy định của WB và được cập nhật hàng năm, hiện nay ngưỡng này là 1.135 USD.
Khi nguồn vốn ODA giảm, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong huy động nguồn vốn phát triển kinh tế.Trong ảnh:  Đường Vành đai 3 trên cao được hoàn thành nhờ nguồn vốn ODA.Ảnh: Huy Hùng
Khi nguồn vốn ODA giảm, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong huy động nguồn vốn phát triển kinh tế.Trong ảnh: Đường Vành đai 3 trên cao được hoàn thành nhờ nguồn vốn ODA.Ảnh: Huy Hùng
Tuy nhiên, mối quan tâm là với nguồn vốn ưu đãi hơn sẽ được tập trung vào đâu và cách thức phân bổ như thế nào cho hiệu quả. Việc tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, nhưng theo đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế, ngay cả khi có được nguồn vốn ưu đãi hay không thì Việt Nam vẫn phải nỗ lực vươn lên bằng nội lực của mình. Ghi nhận thực tế Việt Nam đã vượt cuộc khủng hoảng lớn nhất của kinh tế toàn cầu nhưng, theo đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam Sanjay Kalra, để duy trì các thành quả này, Việt Nam cần đẩy mạnh các mục tiêu đã đề ra, bao gồm cải cách khu vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, tăng hiệu quả đầu tư công, tận dụng nguồn nhân lực trẻ và cần cù, hướng tới đạt được tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam trong thời gian tới…

Như vậy, nguồn vốn ưu đãi IDA từ các tổ chức tài chính lớn trên thế giới sẽ tiếp tục duy trì đối với Việt Nam trong vòng 3 năm nữa và vấn đề là Việt Nam tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn như thế nào cho hiệu quả.