Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đơn giản minh bạch tránh tiêu cực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn những ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (QLT).

Nên tạo thuận lợi cho DN

Thảo luận Luật QLT, các đại biểu (ĐB) tập trung vào nội dung làm thế nào để cân bằng giữa hai mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho người đóng thuế và cơ quan thu thuế; đồng thời trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc tăng cường kiểm soát, hạn chế gian lận về thuế.

Chiều ngày 25/10, thảo luận Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), một số ĐBQH bày tỏ băn khoăn về bản chất HTX và cho rằng, có nên cho HTX góp vốn thành lập các DN khác không? Luật hiện hành quy định HTX là một loại hình DN nhưng không làm HTX mạnh lên. Vì vậy, các ĐB đề nghị cần có quy định rõ tiêu chí mục đích và điều kiện để HTX thành lập DN, để bảo đảm giữ đúng bản chất HTX chứ không chạy theo lợi nhuận. Trên cơ sở nguyên lý này, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể trong Luật phải thể hiện được bản chất này.

Luật QLT năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải nộp thuế trước thời điểm thông quan và chỉ được hưởng ân hạn nộp thuế khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Phân tích về điểm này, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, việc sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là DN nhập khẩu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Quy định mới không chỉ ép DN phải "chạy" vay tiền tạm nộp thuế mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, do đó, cần cân nhắc, nghiên cứu để hài hòa lợi ích Nhà nước và DN. Theo ĐB Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn), chính sách thuế mới sẽ khiến vòng quay vốn lưu động của DN không hiệu quả, làm giá thành chế biến hàng xuất khẩu tăng thêm. "Quy định này chỉ làm giàu cho ngân hàng,  mà lại áp dụng tại thời điểm khó khăn hiện nay thì càng bất hợp lý" - ĐB Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh. Qua thảo luận, đa số ĐB đề nghị Quốc hội nên giữ nguyên thời hạn nộp thuế và cách thức ân hạn thuế như đang áp dụng hiện nay.

Đơn giản minh bạch tránh tiêu cực - Ảnh 1

Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Minh Điền

Xử phạt ở mức hợp lý, công bằng

Liên quan tới công tác kiểm soát hoàn thuế, nhiều ĐB đề nghị điều chỉnh một số nội dung dự thảo luật đối với vấn đề bổ sung giá trị hoàn thuế và đối tượng kiểm tra trong một thời gian nhất định và không quá ba năm kể từ ngày có quyết định. Vì nếu hoàn thuế áp dụng theo phương thức "hoàn trước, kiểm sau", chỉ thực hiện kiểm tra theo cơ chế rủi ro (cơ quan quản lý chỉ chọn một số trường hợp để kiểm tra) thì khó tránh khỏi tình trạng người nộp thuế không bị kiểm tra sẽ lợi dụng sơ hở trong quản lý để chiếm đoạt tiền thuế.

Đề cập tới chế tài đối với các vi phạm pháp luật về thuế, theo ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) nếu quy định chậm nộp tiền thuế theo mức lũy tiến 0,05% (dưới 90 ngày) và 0,07%/ngày (quá thời hạn trên) tương ứng với khoảng 25,2%/năm là quá cao so với lãi suất ngân hàng hiện nay. ĐB đề nghị mức tiền nộp chậm nên quy định như cũ là 0,05%/ngày, vì tính như vậy cũng đã là gần 18%/năm. Còn ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lại đề xuất nộp chậm thì phạt lãi suất theo thị trường và Bộ Tài chính có thể quy định linh hoạt trong từng thời kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Luật QTL sửa đổi nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, thu đúng, thu đủ kịp thời, nhưng quan trọng hơn phải có quy định tạo điều thuận lợi cho người nộp thuế. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo để hoàn chỉnh dự án Luật và sẽ báo cáo lại Quốc hội xem xét trước khi biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội):

Nên giảm thuế thu nhập DN song song với giảm thuế thu nhập cá nhân 

Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính nên tiếp tục nghiên cứu giảm thuế thu nhập cá nhân để kích sức mua trong dân, giải quyết được bài toán tồn kho cho DN. Nghiên cứu tiến tới giảm thuế thu nhập DN. Nếu thu thuế cao, mà chỉ "nắm người có tóc" để thu thì Nhà nước vẫn thất thu. Việc tính thuế và thu thuế một cách công bằng, thu được thuế ở số đông với thang thuế phù hợp với quy mô, loại hình của từng DN là việc Nhà nước cần xem xét, nghiên cứu, để vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa để DN có được lợi nhuận vừa đủ và có được sự tích lũy cần thiết.