Từ rất lâu trước khi trở thành tổng thống Mỹ, Donald Trump đã chống lại những gì ông gọi là "sự thao túng tiền tệ" của chính quyền Trung Quốc vì lợi ích kinh tế, ngay cả khi điều đó được cho là không hoàn toàn đúng. Giờ đây, vì xung đột thương mại đang leo thang với Washington mà Bắc Kinh đang ngày càng để cho đồng tiền của mình liên tục trượt giá - chính xác là điều mà chính quyền Tổng thống Trump đã cảnh báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9/11/2017. Ảnh: AP |
Sự rớt giá có chủ ý
Bắc Kinh cho đến nay đã bước đầu đáp trả lại "đòn" thương mại từ phía Washington, đặc biệt là vòng thuế áp lên hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc, bằng mức thuế của riêng mình đối với sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Tuy nhiên một thực tế tại Trung Quốc là nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ ít hơn nhiều so với xuất khẩu, buộc Bắc Kinh phải tìm cách khác để đáp trả Washington, như tạo rào cản mới cho các doanh nghiệp Mỹ.
Và Trung Quốc còn nắm giữ một con bài nữa có vẻ hữu dụng.
Trong suốt 6 tháng đầu năm nay, Bắc Kinh đã tìm thêm phương thức mới chống trả lại "đòn" thuế quan của Mỹ, đó là hạ giá đồng nội tệ khoảng 9% so với đồng USD - mức chênh lệch cao nhất trong vài năm qua, làm cho xuất khẩu của mình rẻ hơn và phần lớn bù đắp các tác động từ thuế quan mới của Mỹ. Việc giá trị của Nhân dân tệ rớt nhanh chóng, là một quyết định có chủ đích bởi chính quyền Bắc Kinh vẫn đang có khả năng kiểm soát giá trị đồng nội tệ và hoàn toàn có thể can thiệp để ngừng trượt giá.
Một số chuyên gia thương mại Trung Quốc đang cược rằng chính quyền Trung Quốc, trong một nỗ lực chống lại "đòn" thuế của Mỹ, sẽ sớm để NDT giảm một lần nữa.
Bên cạnh đó, việc làm suy yếu đồng NDT là một quyết định dễ dàng bởi đồng tiền này đã tăng giá đều trong những năm trước, tạo nên một khoảng rơi an toàn mà không gây ra thiệt hại gì đáng kể.
Đầy rủi ro cho tất cả
Tuy nhiên hiện nay giá trị tiền tệ Trung Quốc cũng đang bị đẩy xuống bởi nhiều yếu tố khác. Khi Mỹ tăng lãi suất, nó làm cho lãi suất của Trung Quốc ít hấp dẫn hơn, khiến giá trị của đồng NDT giảm. Ngân hàng T.Ư Trung Quốc đang nỗ lực bơm thêm tiền vào nền kinh tế - về cơ bản là theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Hiện tại, trước một chính sách thuế có xu hướng leo thang không ngừng của Tổng thống Trump, có lo ngại rằng Trung Quốc chỉ có thể để cho đồng NDT rớt tới một mức mà như diễn biến trong mùa hè qua, bởi để đồng tiền này tiếp tục hạ giá là mạo hiểm đối với Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh quyết định để đồng tiền quốc gia trượt xa hơn về giá trị, thì không rõ khi nào hoặc ở mức nào quá trình sẽ dừng lại, điều này có thể khiến thị trường chứng khoán trong nước phá hủy khả năng kiểm soát tiền tệ của chính quyền Trung Quốc.
"Thách thức đối với Trung Quốc là bất kỳ động thái (giảm) nào nữa cũng sẽ được coi là một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của nước này mà không rõ ràng giới hạn của nó là ở đâu", Brad Setser, cựu quan chức kinh tế của chính quyền Obama cảnh báo, "phương án này đang tỏ ra hạn chế hơn so với thời điểm vài tháng trước bởi nó đã là một quyết định mang nhiều hậu quả hơn".
Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc cho phép đồng tiền quốc gia giảm giá trị có thể còn phục vụ một vài mục đích khác nữa, nhưng một điều chắc chắn rằng sự rớt giá của đồng NDT là điều hấp dẫn với các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc: Nó có thể làm bùng nổ thị trường chứng khoán toàn cầu, kể cả ở Mỹ. Điểm mùa hè năm 2015, khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã thực sự chao đảo. Với vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế, một động thái như vậy có thể làm thay đổi suy nghĩ của ông Trump, ông Brooks nhận định.
Tuy nhiên có rất nhiều rủi ro trong việc này. Trung Quốc đã thất thoát một lượng vốn lớn trong giai đoạn 2015 - 2016, thời điểm các nhà đầu tư ồn ạt rút khỏi thị trường, khiến Bắc Kinh sau đó đã phải đặt ra một số quy định nhằm hạn chế dòng tháo vốn. Vì vậy câu hỏi lớn hiện nay vẫn là: Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có e ngại một đồng NDT giá thấp cũng sẽ đến một cuộc tháo chạy của dòng vốn Trung Quốc?
Sự giảm giá trị của một loại tiền như đồng NDT sẽ không chỉ gây ra các tác động trong nước, mà nó còn có thể sẽ đẩy các đồng tiền khác trên thị trường mới nổi giảm theo, khiến gánh nặng nợ của nhiều quốc gia trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Một đồng NDT rẻ hơn và "cơn bão" nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục khiến Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) không khỏi bị ảnh hưởng và họ có khả năng nghĩ đến việc đồng tình với chính quyền Trump trong một phản ứng thống nhất nhằm cô lập Bắc Kinh trên trường thương mại.
Sự thực trớ trêu
Với tất cả các lý do cho việc giảm giá đồng NDT - bao gồm chiến tranh thương mại, sự tăng lãi suất của Mỹ, và kích thích kinh tế trong nước - cách duy nhất mà Trung Quốc có thể tránh được sự mất giá nhiều hơn là đẩy mạnh và chủ động huy động tiền tệ - như cách nước này đã chi hơn 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ vào năm 2016.
Điều đó có thể khiến các quan chức ở Washington mừng rỡ, nhưng trớ trêu thay đây lại là hành động mang lại lợi ích cho một chính quyền đã từng gay gắt yêu cầu Bắc Kinh ngừng thao túng tiền tệ nước này. "Sự mỉa mai đối với chính quyền Mỹ là trong tương lai gần, Washington lại khao khát Bắc Kinh tiếp tục quản lý tỷ giá hối đoái của mình", Brad Setser nói.