Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dồn mọi nguồn lực chống dịch Covid-19

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã tái xuất tại Đà Nẵng hơn một tuần qua với nhiều ca mắc và tử vong. Theo các chuyên gia dịch tễ, virus SARS-CoV-2 đã biến chủng nên đợt chống dịch lần này chắc chắn sẽ cam go, gian khổ hơn rất nhiều. Hiện cả hệ thống chính trị với tinh thần thần tốc, quyết liệt, dồn mọi nguồn lực chống dịch.

Nâng mức cảnh báo nguy hiểm
Tại cuộc họp Chính phủ mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do dịch lần 2 phức tạp, chúng ta vẫn tiếp tục coi chống dịch như chống giặc, mỗi gia đình, mỗi thôn, bản, làng xóm là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trong những ngày qua, công tác điều tra, khoanh vùng dập dịch, cùng tinh thần chống dịch ở các địa phương đã được nâng cao. Nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm với những người có nguy cơ; khoanh vùng kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng.
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân từ Đà Nẵng trở về tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
“Tuy nhiên, dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt, trong lúc này mọi người dân phải thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…” - ông Phu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, điểm nổi bật trong công tác phòng chống dịch những ngày qua là cả nước đang dồn lực để xử lý những điểm nóng. Bên cạnh đó, các địa phương liên tiếp có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với từng thời điểm. Chẳng hạn, tại Hà Nội, đến chiều ngày 5/8, TP đã nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phân tích những căn cứ cho việc nâng mức nguy cơ là TP đã có bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ca dương tính mới có thời gian đi lại dày đặc trong 14 ngày qua.
Trước yêu cầu cấp bách hiện nay, Hà Nội tiếp tục rà soát toàn bộ số người đi từ Đà Nẵng, Quảng Nam và các nơi có liên quan đến các bệnh nhân dương tính về Hà Nội. Ngoài khai báo và giám sát y tế, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng từ 15/7 đã test nhanh phải làm xét nghiệm PCR bởi chỉ có xét nghiệm PCR mới cho kết quả chính xác.
Việc chống dịch có thành công hay không, một phần phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch. Ông cũng cảnh báo, hiện có nhiều người có biểu hiện chủ quan, không đeo khẩu trang nơi đông người, không tuân thủ khuyến cáo cách ly khi từ Đà Nẵng trở về. Nguy hiểm hơn, khi có triệu chứng như sốt, ho không đến cơ sở y tế để khai báo mà tự ý đi mua thuốc về uống và di chuyển nhiều nơi. Đây là những nguy cơ khiến dịch lan rộng ra cộng đồng, khó kiểm soát.
Chung sức, đồng lòng hướng về Đà Nẵng
Các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo đợt dịch lần này sẽ khó khăn, khốc liệt hơn nhiều bởi tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình, có gia đình lên đến 7 thành viên cùng nhiễm bệnh. “Điều này đặt ra thách thức lớn là phải khẩn trương, quyết liệt, làm rất mạnh và phải cương quyết tất cả biện pháp phòng dịch, giúp hạn chế những ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội” - Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nhắc lại nội dung trong bức thư gửi gắm nhiều tình cảm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các cán bộ y tế, những "chiến sĩ áo trắng" -"những người hùng của Nhân dân", quyền Bộ trưởng cho biết, điều này càng thôi thúc chúng ta phải quyết tâm, cố gắng hơn, đoàn kết hơn để cùng chiến thắng đại dịch.
Riêng về đáp ứng phòng chống dịch, trong tiền lệ của Bộ Y tế chưa bao giờ lại cử những cán bộ, giáo sư, chuyên gia đầu ngành vào quyết giữ cho được Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung để khống chế triệt để được vụ dịch lần này. “Việc khống chế triệt để không chỉ Quảng Nam, Đà Nẵng mà với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Đó là lý do Bộ Y tế liên tục nhắc nhở, chỉ đạo, ra nhiều công điện, vì phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa” - quyền Bộ trưởng nói.
Riêng tại Đà Nẵng, trong suốt những ngày qua, các cán bộ, nhân viên ngành y thuộc CDC Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur Nha Trang, mỗi ngày thực hiện xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm để tìm ra trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Đây là một trong những mắt xích quan trọng, hạn chế việc lây lan virus ra cộng đồng cũng như giúp cơ quan chức năng sớm có các biện pháp ngăn chặn dịch.
Chia sẻ về công tác này, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, người được điều động vào Đà Nẵng cho biết, chưa bao giờ chị và các đồng nghiệp phải thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm đến thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải nhưng tất cả đều nỗ lực hết sức để hoàn thành công việc mang lại kết quả cao nhất.
Nếu như trước đây, tại Đà Nẵng có 4 đơn vị có khả năng xét nghiệm, trong đó CDC Đà Nẵng là đơn vị phụ trách chính. BV Đà Nẵng cũng triển khai xét nghiệm, năng lực khoảng 300 - 500 mẫu/ngày. Tuy nhiên, nhờ có sự tăng cường, chi viện nhân lực từ khắp cả nước thì tính đến nay đã xét nghiệm được khoảng 15.000 - 17.000 mẫu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng.
Ở Đà Nẵng những ngày này, mỗi sớm thức giấc, thấy người thân được bình an là một điều hạnh phúc. Đổi lấy giấc ngủ ngon của mọi người, là vô vàn hy sinh của đội ngũ y - bác sĩ đang trực chiến tại BV, vợ chồng xa cách, trẻ con mong ngóng cha, mẹ trở về sau những ngày phong tỏa. Trong BV Đà Nẵng, mỗi ngày, y - bác sĩ gần như phải làm việc 24/24 giờ. Việc của họ lúc này là vừa chăm sóc vừa điều trị và vừa là người nhà của bệnh nhân, bởi toàn bộ người nhà bên trong BV này đều đã được đưa ra khu cách ly bên ngoài.
Làm việc trong khu điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, nhiều nữ điều dưỡng, bác sĩ ở BV Phổi, BV Đà Nẵng đã cắt phăng mái tóc dài - thứ "tài sản" quý giá của phái đẹp để toàn tâm, toàn ý cứu chữa người bệnh.
Bộ Y tế và các BV đầu ngành của cả nước (Bạch Mai, Nhiệt Đới T.Ư, Chợ Rẫy, T.Ư Huế) và các tổ chức, cá nhân đã sát cánh, hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp phòng chống, xét nghiệm và điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn.
Trong bối cảnh trên, nhằm giúp Đà Nẵng sớm dập được dịch, Hải Phòng đã cử 33 y bác sĩ, BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh gửi đội phản ứng nhanh thứ 5, Hà Nội hỗ trợ 1 tỷ đồng cùng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, Bình Định cử đội y tế tiếp sức Đà Nẵng chống dịch.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã vận động 5 ngân hàng thương mại hỗ trợ tổng cộng 25 tỷ đồng cho TP Đà Nẵng để mua sinh phẩm chẩn đoán Covid-19. Tập đoàn Vingroup hỗ trợ khẩn cấp cho TP Đà Nẵng 100 máy thở xâm nhập Vsmart VFS 510. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã trao 1,5 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn cho Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng…

Có thể nói, người dân cả nước và các tổ chức, đơn vị đều chung sức, đồng lòng hướng về Đà Nẵng với một niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19.

"Chống dịch bệnh Covid-19 không được lơ là, chủ quan, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm mọi biện pháp để phòng, chống dịch tốt nhất. Tinh thần chống dịch phải thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực chống dịch; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trường hợp có nguy cơ." - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc


Làm việc trong khu điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, nhiều nữ điều dưỡng, bác sĩ ở BV Phổi, BV Đà Nẵng đã cắt phăng mái tóc dài - thứ "tài sản" quý giá của phái đẹp để toàn tâm, toàn ý cứu chữa người bệnh.