Sẽ chẳng có gì bận tâm nếu như tối nọ một cậu bé vừa ăn xong bim bim (có lẽ được mẹ mua trong nhà sách Tiến Thọ) đi tới nhẹ nhàng vứt gói ni lông vào hốc đựng rác phía dưới; chưa đến một phút sau, đôi nam thanh nữ tú chạy xe máy đến vứt toẹt túi rác ven vỉa hè.
Hai hình ảnh trái ngược đó phản ánh một hiện thực trớ trêu, khiến ai chứng kiến cũng đều phải suy nghĩ. Chắc rằng, thói quen xả rác bừa bãi của một bộ phận người lớn tuổi vẫn chưa thay đổi.
Để xây dựng hình ảnh đô thị Việt Nam văn minh hơn, những năm qua, nhiều chiến dịch tuyên truyền xây dựng ý thức, tạo lập thói quen văn minh đô thị đã được khởi xướng, được thực hiện. Việc kêu gọi cả xã hội phải chung tay xóa bỏ thói quen xả rác được thường xuyên nhắc đi nhắc lại, chỉ để mọi người thay đổi thói quen, nếp nghĩ. Hơn thế, chúng ta còn ban hành cả quy định xử lý hành vi vứt rác bừa bãi. Ví như: Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP). Nhưng xem ra, nơi nào được duy trì thường xuyên (ví như khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm) thì nơi đó có quy củ hơn.
Nhiều người bảo rằng, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc như việc kiểm tra, xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, chắc chắn ý thức xả rác nơi công cộng sẽ chuyển biến mạnh. Vấn đề là tìm ra cơ chế xử lý ra sao cho phù hợp với hoàn cảnh và đạt hiệu quả. Cùng với đó, các quận, huyện cũng nên có kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, đầu tư xây dựng những điểm tập kết thùng rác văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên các tuyến đường.
Để các đô thị không còn xuất hiện cảnh vứt rác thải bừa bãi, việc tuyên truyền vẫn phải kết hợp xử lý mạnh. Biện pháp mạnh sẽ dần dọn được cả “rác” trong ý thức của một bộ phận người dân.