Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dồn sức cho tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015 đã đạt thắng lợi kép (vừa lạm phát thấp hơn, vừa tăng trưởng cao hơn). Tuy...

Kinhtedothi - Năm 2015 đã đạt thắng lợi kép (vừa lạm phát thấp hơn, vừa tăng trưởng cao hơn). Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2016, lạm phát cao hơn nhưng tăng trưởng lại thấp hơn. Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm cần “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu” và dồn sức cho mục tiêu tăng trưởng.

CPI 4 tháng đã tăng cao trở lại

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2016 tăng 0,33% so với tháng 3 và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI đã không còn tăng thấp như cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, CPI tháng 4/2016 cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2012 đến nay (năm 2012 tăng 0,05%, năm 2013 tăng 0,02%, năm 2014 tăng 0,08%, năm 2015 tăng 0,22%).
Dồn sức cho tăng trưởng - Ảnh 1
Từ diễn biến CPI tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 cũng có thể nhận định, từ nay đến cuối năm, CPI sẽ tăng không cao quá 5%. Dự đoán này căn cứ vào những yếu tố làm giảm CPI. Giá hàng hóa thế giới giảm (bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu giảm 4,8%, giá nhập khẩu giảm 8,85%). Tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng cao hơn tốc độ tăng của sản xuất, nhưng về quy mô tổng cầu vẫn thấp hơn tổng cung. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP quý I năm nay thấp hơn của cả năm 2015 (32,2% so với 32,6%). Tốc độ tăng tiền gửi ngân hàng cao hơn cùng kỳ năm trước (2,26% so với 0,94%) và cao hơn tốc độ tăng của tín dụng (quý I là 2,26% so với 1,54%). Số DN tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn và kéo dài... Tuy nhiên chưa thể chủ quan, lơi là đối với lạm phát.

Chuyển sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

Từ diễn biến và các yếu tố tác động đến CPI, “có thể yên tâm với lạm phát, chuyển từ “kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”, đồng thời cần dồn sức cho tăng trưởng”, đó là khuyến nghị cần thiết hiện nay.

Ở đầu vào, yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế là vốn đầu tư. Lượng vốn đầu tư tăng khá (10,7%), nhưng tỷ lệ vốn đầu tư/GDP mới đạt 32,2%, thấp hơn tỷ lệ 32,6% của năm 2015. Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP so với tốc độ tăng GDP trong quý I là gần 5,9 lần - cao hơn nhiều so với con số 4,9 lần của năm 2015 chứng tỏ hiệu quả đầu tư bị thấp hơn. Do vậy cần đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm thiểu lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư, thi công. Yếu tố quan trọng là nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo đó, tín dụng cần được tăng cao hơn trên cơ sở giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất khi mặt bằng lãi suất còn thấp; việc xử lý nợ xấu cần được đẩy nhanh, quyết liệt và thực chất hơn; thị trường bất động sản ấm nóng cũng là cơ hội để giảm nợ xấu cho các ngân hàng. Tranh thủ khi giá tiêu dùng còn thấp và lượng ngoại tệ vào nước ta có quy mô khá từ các nguồn (xuất khẩu, FDI, ODA, kiều hối, khách quốc tế đến Việt Nam...) để mua vào ngoại tệ, vừa tăng được dự trữ ngoại hối, vừa tăng được tính thanh khoản quốc gia, vừa sẵn sàng can thiệp thị trường khi có dấu hiệu ấm nóng...

Ở đầu ra, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến 15/4 so với cùng kỳ mới đạt 7,7%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước, thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho cả năm (10%). Dù rằng có nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm (quý I giảm 4,8%), nhưng có nguyên nhân quan trọng do tỷ trọng hàng thô, chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế còn lớn, hàng gia công lắp ráp lớn, nên thực thu ngoại tệ còn thấp. Nhiều mặt hàng đã lấy tăng lượng bù giá giảm, nhưng chưa được nhiều. Xuất siêu có tính hai mặt, một mặt đã góp phần chuyển vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài và góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá...; nhưng mặt khác cũng thể hiện nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng còn yếu, tác động tiêu cực đến chu kỳ sau...

Dồn lực cho tăng trưởng, nhưng không chạy theo tốc độ tăng thuần túy mà phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững...