Tại thị trường Hà Nội, có thể liệt kê hàng loạt dự án hiện nằm trong danh sách bị thứ cấp bán phá giá trên thị trường như: Dự án The Pride trên mặt đường Lê Văn Lương, quận Hà Đông cách 2 năm được chủ đầu tư chào bán từ 20-21 triệu đồng/m2 nhưng nay ở thị trường thứ cấp chỉ còn 17-18 triệu đồng/m2. Tương tự căn hộ chung cư dự án FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm hiện cũng chỉ ở mức 23 triệu đồng/m2, giảm từ 5-7 triệu đồng mỗi mét vuông so với thời kỳ 'đỉnh cao' lên tới 30 triệu đồng/m2. Hay như Tổ hợp chung cư Dương Nội (Tập đoàn Nam Cường), Chung cư Golden Place (Hà Đông), cũng có giá thị trường thấp hơn 2-3 triệu đồng/m2 so với giá chủ đầu tư đưa ra. Đối với phân khúc biệt thư, nhà liền kề tại các dự án như Khu đô thị mới Splendora (Hoài Đức), dự án Khu đô thị mới Park City (Lê Trọng Tấn kéo dài), dự án Vân Canh (Hoài Đức)…đang được một số thứ cấp 'cắt lỗ' rẻ hơn rất nhiều so với giá ban đầu. Tại TP HCM, hầu hết các dự án căn hộ mới mở bán trong thời gian gần đây đều điều chỉnh giảm giá bán và nhiều chính sách linh hoạt, có lợi cho người mua. Dự án Sài Gòn Mới (quận 7) trước đây được chào bán với giá từ 970 triệu đồng/căn hộ, nay giảm xuống còn 873 triệu đồng/căn hộ. Hay như khách hàng mua dự án Căn hộ The Eastern trên đường Liên Phường (quận 9, TP HCM), dự án Căn hộ 4S Riverside Linh Đông (quận Thủ Đức) chỉ cần thanh toán 10- 30% giá trị căn hộ, phần còn lại sẽ thanh toán khi nhận nhà. Ngoài việc bị thứ cấp phá giá, hiện nhiều dự án đang chịu áp lực khi khách hàng liên tục 'tố khổ' và đòi rút tiền góp vốn, đòi bồi thường... càng đẩy dự án từ khó khăn này tới khó khăn khác trong bối cảnh thị trường lúng túng tìm đầu tư. Điển hình như các dự án như chung cư 34 Cầu Diễn, Dự án Hanoi Time Towers, Bình Đoàn 12 Ngọc Hồi, Mê Kông Plaza, Binh Đoàn 12 Đại Mỗ, Tây Thiên Minh... khi mà chủ đầu tư 'nhớ thu tiền, quên giao nhà' khiến khách hàng không khỏi bức xúc.
Thị trường bất động sản đang thiếu niềm tin từ khách hàng chứ không phải nguồn tài chính cho chủ đầu tư.
Trên thực tế, ngay từ thời điểm giữa năm 2011, xu hướng các nhà đầu tư đồng loạt đòi rút vốn khỏi các dự án chậm tiến độ để bảo toàn vốn đã manh nha xuất hiện. Điển hình như vụ việc tại 2 dự án Mulberry Lane Hà Đông và khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Tại thời điểm đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản đi xuống và rất khó khăn, không đủ tiền để đầu tư tiếp nhưng cũng không thể bán hàng, việc “tháo chạy” khỏi thị trường bằng cách rút vốn về từ các dự án chậm tiến độ được xem như lựa chọn khôn ngoan của các nhà đầu tư. Trong khi một số dự án đang dính 'phốt' chưa tìm ra hướng xử lý thì thị trường lại tiếp tục đón nhận thêm một số dự án 'có vấn đề' mà theo phản ánh của khách hàng là 'có dấu hiệu lừa đảo'. Đơn cử là chung cư CT3 – thuộc khu đô thị mới Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hà Nội (Hancic) làm chủ đầu tư. Khách hàng dự án này như đang ngồi trên lửa bởi họ mua nhà qua trung gian Công ty Đầu tư và Phát triển thương mại Hạ Long mà phần lớn trong số họ đã nộp tiền tới 90% giá trị căn hộ nhưng tá hóa mới biết không có tên trong danh sách giao nhà. Nguyên nhân được phía chủ đầu tư cho biết là trung gian môi giới này chưa đóng đủ tiền hợp đồng. Với việc nhiều dự án đang khó khăn tìm đầu ra sản phẩm, trong khi liên tiếp phải đón nhận những 'con bệnh' gây hại cho thị trường thì khó có chuyên gia nào dám dự đoán cho một thị trường sáng sủa ở tương lai gần.