Lãnh đạo các nước Đông Âu đã từ chối hạn ngạch nhập cư dù cho Đức đã cảnh báo đây là một thách thức lớn nhất trong lịch sử châu Âu.
Một số lượng người di cư kỷ lục vẫn tiếp tục đổ vào châu Âu, với khoảng 7.600 vào Macedonia trong 12 giờ qua. Sự gia tăng của lượng người di cư, theo cảnh sát Hungary cho biết là khoảng 3.601 người nhập cảnh vào thứ năm, khiến các chuyến tàu của Áo chở người di cư qua Hungary phải tạm dừng do "tình trạng quá đông".
Đối mặt với sự bùng nổ dòng người di cư, đại diện Đức cho rằng kế hoạch của EU là chưa đủ nhưng Thủ tướng Merkel đã tính đến các biện pháp trừng phạt đối với những nước từ chối tham gia, như là cắt giảm trợ cấp EU.
Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp quốc hoan nghênh kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU, nhưng nói thêm là cần giảm bớt áp lực tại biên giới cửa ngõ của các nước. "Đề án tái định cư chỉ có thể thành công nếu nó được đi kèm bởi tiếp nhận cấp cứu, hỗ trợ và các nỗ lực quy mô lớn ở các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi người di cư, đặc biệt là Hy Lạp, Hungary và Italia," phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hiệp quốc William Spindler nói. Đồng thời nói thêm rằng cuối năm 2016 sẽ cần khoảng 200.000 địa điểm cho người tị nạn.
Phần lớn các nước Đông Âu vẫn cực lực phản đối với hạn ngạch nhập cư mà EU đưa ra, mặc dù đây không phải là điểm đến của số đông người di cư. "Hạn ngạch bắt buộc được tính trên cơ sở vô cùng quan liêu, không hề tham vấn các nước thành viên", Tổng thống Romania Klaus Iohannis nói. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng CH Séc Lubomir Zaoralek cho rằng: "Chúng tôi tin rằng các nước nên kiểm soát số lượng người chúng ta có thể chấp nhận".
Trước tình hình này, các nhà lập pháp EU kêu gọi một hội nghị quốc tế về di cư có sự tham gia của Mỹ, Liên Hiệp quốc và các quốc gia Ả Rập.