Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng chảy khí đốt Nga sang EU bất ngờ tăng kỷ lục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga, nhưng thực tế lượng khí đốt qua đường ống của Nga đến EU vẫn tăng vọt trong những tháng gần đây.

Trạm nén khí Russkaya thuộc đường ống TurkStream, tại vùng Krasnodar của Nga. Ảnh: Sputnik
Trạm nén khí Russkaya thuộc đường ống TurkStream, tại vùng Krasnodar của Nga. Ảnh: Sputnik

Nguồn cung khí đốt của Nga cho EU thông qua đường ống dẫn khí TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) đã tăng vọt hơn 40% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023, tờ Vedomosti đưa tin khi trích dẫn dữ liệu từ tập đoàn truyền tải khí đốt châu Âu Entsog.

Trong khi đó, lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ xuất khẩu sang EU được báo cáo giảm mạnh trong những tuần gần đây.

Theo tờ Vedomosti, nhu cầu khí đốt của Nga tăng cao do các đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu.

Tính riêng trong tháng 7, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã cung cấp hơn 1,5 tỷ mét khối khí đốt cho EU thông qua đường ống TurkStream, tăng 29% so với tháng trước đó, theo dữ liệu của tập đoàn truyền tải khí đốt châu Âu Entsog.

Sự gia tăng theo tháng diễn ra sau khi kết thúc giai đoạn bảo trì đường ống Turkstream và nhu cầu khí đóto tăng theo mùa khi các công ty năng lượng đẩy mạnh bơm khí vào kho dự trữ.

Tính từ đầu năm đến nay, lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Gazprom sang EU đã lên tới 18,3 tỷ mét khối. Lưu lượng hàng năm ở châu Âu đạt đỉnh vào năm 2018-2019 ở mức từ 175-180 tỷ mét khối.

Theo Reuters, Nga đã cung cấp tổng cộng khoảng 63,8 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu theo nhiều tuyến đường khác nhau vào năm 2022.

Tập đoàn Gazprom từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU. Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, “ông lớn” năng lượng  Nga đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang EU do lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại đường ống Nord Stream chạy dưới Biển Baltic.

TurkStream là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen và sau đó tiếp tục đến biên giới với thành viên EU là Hy Lạp.

Tuyến đường ống khác để dòng chảy khí đốt Nga đến châu Âu là hệ thống trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine.

Sau khi bùng phát chiến sự tại Ukraine, EU đã nỗ lực thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ - nước đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho liên minh. Điều này đã dẫn đến chi phí tăng đáng kể cho người tiêu dùng châu Âu.

Tuy nhiên, tờ Bloomberg cho biết, các nhà cung cấp của Mỹ đã giảm lượng LNG vận chuyển đến EU vào tháng 7, thay vào đó, họ tăng lượng xuất khẩu LNG sang các khu vực trả giá cao hơn ở châu Á.

Trong tháng 7 vừa qua, Mỹ đã vận chuyển nhiều khí đốt đường biển hơn đến người tiêu dùng châu Á so với bất kỳ tháng nào kể từ năm 2021. Theo tờ Bloomberg, nhu cầu khí đốt ở châu Á tăng vọt trong những tháng gần đây do thời tiết nắng nóng.

Các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga cho đến nay vẫn chưa nhắm vào nguồn cung cấp khí đốt đường ống, nhưng nhiều nước thành viên, gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, đã tự nguyện dừng nhập khẩu. Tuy nhiên, một số quốc gia EU khác,  bao gồm Áo, Hungary, Slovakia và Italia, vẫn đang nhập khẩu khí đốt của Nga.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Gazprom và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Kiev tuyên bố không có kế hoạch gia hạn.

Vào tháng trước, có thông tin nói rằng một số nước EU đang thảo luận về cách thức để khí đốt Nga tiếp tục lưu thông qua mạng lưới đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine kể từ năm 2025.

Sau khi bị EU áp lệnh cấm vận, Nga đã chuyển hướng dòng chảy khí đốt sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, giúp doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này với nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới tăng gần 50% so với trước năm 2022.