Phát biểu trên kênh truyền hình RBC TV hôm 4/1, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là chủ nghĩa bảo hộ trắng trợn nhằm thúc đẩy việc sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Washington tại thị trường châu Âu.
Theo Phó Thủ tướng Novak, các nước EU hiểu rõ điều này và ủng hộ dự án, vì vậy chắc chắc tuyến đường ống khí đốt của Nga sẽ được hoàn thành. "Việc chính phủ Mỹ gây sức ép đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 rõ ràng là chủ nghĩa bảo hộ. Phía Washington phản đối tuyến đường ống khí đốt của Moscow chỉ nhằm mục đích quảng bá nguồn LNG của họ", ông Novak cho hay.
Mỹ là quốc gia đi đầu gây sức ép đối với việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Giữa tháng 12/2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu. Ðối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng dự án.
Mới đây, truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ cho biết, Washington đang lên kế hoạch thông qua một gói trừng phạt mới đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Mặc dù vấp phải sự phản đối từ Mỹ và một số nước châu Âu, không thể phủ nhận rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 khi đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng giúp "lục địa già" có nguồn cung khí đốt ổn định.
Cũng liên quan đến tuyến đường ống khí đốt của Nga, hôm 2/1, ông Waldemar Gerdt - thành viên Ủy ban các vấn đề quốc tế của Quốc hội Đức nhấn mạnh, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 rất cần thiết đối với Đức trong bối cảnh các nhà máy điện hạt nhân ở nước này đang dần đóng cửa.
Ông Waldemar Gerdt cũng bày tỏ tin tưởng rằng, dự án trên sẽ được hoàn thành bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Dòng chảy phương Bắc 2 với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD là dự án hợp tác giữa Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu gồm: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall Dea.
Dự án đưa khí đốt từ Nga qua biển Baltic tới châu Âu được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng của châu Âu và mang lại lợi ích kinh tế cho “lục địa già”./.