Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng chảy thời cuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thể Công đã chỉ còn là quá khứ. QK4 cũng đã được sang tay. Nhưng đấy mới chỉ là hai trong số những vụ chuyển giao sẽ diễn ra ở thời kỳ hậu V.League 2009. Từ giờ tới ngày V.League 2010 khai mạc, sẽ còn thêm nhiều cuộc “sang tên, đổi họ” nữa xuất hiện.

KTĐT - Thể Công đã chỉ còn là quá khứ. QK4 cũng đã được sang tay. Nhưng đấy mới chỉ là hai trong số những vụ chuyển giao sẽ diễn ra ở thời kỳ hậu V.League 2009. Từ giờ tới ngày V.League 2010 khai mạc, sẽ còn thêm nhiều cuộc “sang tên, đổi họ” nữa xuất hiện.

Dòng chảy chung

Sức ép từ cột mốc 2011 (bắt buộc phải doanh nghiệp hóa) đã hiện dần lên ngày càng rõ nét. Chẳng thế mà nhiều đội bóng đang phải đẩy mạnh tiến độ tìm kiếm đối tác.

SLNA là một ví dụ. Dù vẫn còn những thủ tục cản trở quá trình chuyển giao nhưng ở xứ Nghệ bây giờ, nhiều người đã sốt ruột vì tiến độ của quá trình này diễn ra rất chậm. Nhưng tất cả đều hiểu, sớm hay muộn, chuyện đó cũng đến. Vấn đề chỉ còn là thời gian, mà tất nhiên, sớm bao giờ cũng tốt hơn muộn.

Thanh Hóa cũng vậy. Chưa nhận diện được đối tác rõ ràng như SLNA nhưng định hướng chuyển giao đã được vạch ra và quán triệt mạnh mẽ. Rất nhiều doanh nghiệp đã ngỏ lời, và bây giờ, nhiệm vụ của họ chỉ còn là đánh giá, xác định một đối tác xứng đáng để chuyển giao niềm tự hào của cả tỉnh.

Nam Định có thể chưa hoàn tất việc chuyển giao trong năm nay nhưng người ta cũng đã lường trước được tương lai của đội bóng này. Bởi Nam Định đã có đối tác mong muốn được tiếp nhận đến mức ra điều kiện muốn họ chi tiền tài trợ ở V.League 2010 thì từ phía những người chịu trách nhiệm sẽ phải có cam kết chuyển giao CLB cho chính doanh nghiệp này trong thời gian từ nay tới trước V.League 2011. Quá trình đàm phán chưa kết thúc nhưng nhiều khả năng cũng sẽ hoàn tất trong một vài tuần tới.

Mới mà cũ

Có một điểm mới từ những cuộc chuyển giao gần đây, đó là thay vì mô hình cũ - doanh nghiệp nhận chuyển giao chỉ đơn giản làm nhiệm vụ bơm tiền, nhiều doanh nghiệp đang hướng tới cách làm mới trong thời kỳ hậu chuyển giao. Đó là đầu tư ban đầu, tạo cơ sở vật chất kinh doanh ngoài bóng đá, rồi lấy tiền thu về nuôi lại chính bóng đá.

Chẳng hạn như có doanh nghiệp đang muốn nhận lại một CLB phía Bắc đã có sẵn kế hoạch cho thời kỳ sau chuyển giao. Đó là đầu tư một khoản tiền lớn vào bất động sản, hệ thống khách sạn, sân vận động mini, trung tâm huấn luyện… Tất nhiên, chi phí này không nhỏ nhưng nó hứa hẹn có thể từ tiền đẻ ra tiền và lâu dài, đó sẽ là nguồn ổn định nuôi đội bóng, thay vì doanh nghiệp cứ phải bỏ tiền ra mà không có hướng thu về. Tất nhiên, điều kiện đi kèm sẽ phải là doanh nghiệp được nhận những hỗ trợ từ địa phương về quyền sử dụng đất. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là một cách làm đôi bên cùng có lợi và mang tính lâu dài.

Hiển nhiên, vẫn sẽ có những hạt sạn là doanh nghiệp chỉ mượn tiếng bóng đá để trục lợi thông qua các hoạt động đầu tư. Nhưng thực tế, hầu hết các đội bóng và các địa phương đều đã có kinh nghiệm trong việc đối phó với những kẻ cơ hội. Nhận diện đối tác nghiêm túc, có cách làm bài bản để từ đó tìm ra hướng đi, đấy là một bài toán khó nhưng chưa đến mức không thể giải ở thời điểm hiện nay.

Tiêu điểm: Gỡ bỏ rào cản

Trước đây, từng tồn tại một thực tế là các đội bóng trực thuộc ngành, tỉnh vẫn đưa ra những lý do mang tính đặc thù để từ đó, tạo cho mình lớp vỏ bọc an toàn trước sự tấn công của những xu thế mới trong bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN). Nhưng bây giờ, những vỏ bọc ấy cũng phải bị gỡ bỏ.

Một trong những ví dụ điển hình là chuyện đi ở của cầu thủ và HLV. Trước kia, cầu thủ cứ gắn với đội bóng tỉnh, ngành là coi như hết nghĩ tới việc bay nhảy. Nói chính xác, chỉ còn lại sự thụ động, theo kiểu sống hôm nay, biết hôm nay. Chỉ lãnh đạo đội bóng mới có quyền đẩy các thành viên ra đường, chứ không có chuyện ngược lại (ai đó tự tìm đường ra đi). Thế nên đã có thời, thị trường chuyển nhượng chỉ là một khái niệm mơ hồ ngay giữa lòng V.League.

Bây giờ thì những ốc đảo riêng biệt như vậy có thể sẽ bị xóa sổ ở V.League. Khi BĐVN chỉ còn lại là những doanh nghiệp hoạt động độc lập, mọi ngoại lệ trong quá khứ sẽ trở nên vô hiệu. Sẽ không còn chuyện những rào cản hành chính, cơ chế, chính sách được dùng để chặn đứng hướng đi của ai đó, hay thậm chí, hướng đi của cả một đội bóng, ví dụ như chuyện doanh nghiệp hóa chẳng hạn. Suy cho cùng, đấy là một điều đáng mừng cho cả nền bóng đá vì nó sẽ giúp chuyên nghiệp hóa trở nên đúng nghĩa và thật hơn, thay vì chỉ đơn thuần là một cái tên gọi.

Góc nhìn: Giống và khác

Chín năm làm V.League, hàng loạt cái tên biến mất. Nhưng đó là một tiến trình tất yếu của lịch sử. Nói cách khác, BĐVN đang ở giai đoạn lột xác, chuyển mình theo thời thế.

Thực tiễn ở nước ngoài cũng vậy. Việt Nam không phải nền bóng đá duy nhất có đặc thù tỉnh, ngành. Các nước khác cũng tương tự nhưng họ đã qua giai đoạn mà chúng ta đang trải qua.

Ví dụ điển hình là bóng đá Nga. Thời trước, giải VĐQG tồn tại vô số CLB thuộc các ngành như vũ trang, đường sắt… Nhưng từ khi giải chuyên nghiệp ra đời, xu thế chuyển giao đã được tiến hành mạnh mẽ. Những đội bóng nổi tiếng nhất như CSKA Moscow, Spartak Moscow, Lokomotiv Moscow đều có sự biến đổi rõ rệt về chất trong cách thức quản lý, sở hữu với sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn. Cũng nhờ sự hậu thuẫn này mà bóng đá Nga trong thời gian gần đây chuyển mình mạnh mẽ và tạo được những tiếng vang ở đấu trường châu lục. Có khác chăng so với tại V.League là dù chuyển giao nhưng các CLB Nga không bị mất tên

Ngay cả ở nền bóng đá giàu nhất thế giới như Anh, chuyển giao cũng là điều xẩy ra quá thường xuyên. Thậm chí người Anh còn phải chấp nhận một thực tế là những đội bóng lớn nhất của họ như M.U, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Man City… bây giờ thuộc sở hữu của người Mỹ, Nga, Uzbekistan, UAE… Nhưng cũng như tại Nga, việc chuyển giao ở Premiership không kéo theo chuyện đổi tên CLB. Suy cho cùng cũng bởi những nền bóng đá chuyên nghiệp này đã có từ quá lâu, vì thế những thương hiệu bền vững đã được khẳng định. Còn ở V.League, chúng ta mới chỉ đang đi những bước đầu tiên, và vì thế, giá trị và ý thức thương hiệu chưa được định hình rõ rệt.

Nhưng đấy cũng là hiện tượng tất yếu của thời kỳ quá độ. Rất có thể sau giai đoạn này, sẽ đến lúc ý thức thương hiệu ở V.League trở nên rõ ràng hơn khi các đội bóng đã trở thành một phần của doanh nghiệp, và họ phải bảo vệ thương hiệu đó vì chính quyền lợi của mình.