Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đóng cửa thiên đường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Châu Âu đã tiến gần hơn đến việc dỡ bỏ cơ chế bảo mật ngân hàng sau khi Áo cho biết sẵn sàng chia sẻ dữ liệu về người gửi tiền nước ngoài, song nỗ lực của Vienna có thể không có tác dụng nếu một thỏa thuận tương tự với Thụy Sĩ thất bại.

Sau một thời gian vật lộn với khủng hoảng nợ công, Liên minh châu Âu (EU) mới giật mình nhận ra, tình trạng trốn thuế phổ biến hiện nay đang làm EU tổn thất tới 1.000 tỷ Euro thu nhập mỗi năm. Số tiền này còn vượt xa khoản cam kết 400 tỷ Euro trong kế hoạch giải cứu các thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp trong những năm tới. Vì thế, hơn lúc nào hết hành vi trốn thuế đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Eurozone cũng như các quốc gia đang cần các nguồn lực để khôi phục lại hệ thống tài chính công.
 
 
Đóng cửa thiên đường - Ảnh 1
 
Châu Âu mất 1.000 tỷ Euro mỗi năm vì trốn thuế.
 
Những nỗ lực để xóa bỏ các "thiên đường trốn thuế" gấp gáp được tiến hành với những cuộc thảo luận, đàm phán, thậm chí là "mặc cả" giữa các nước. Kết quả là cuối tháng 4 vừa qua, 6 nước thuộc EU là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan cũng đã thống nhất về kế hoạch buộc ngân hàng tại các nước này phải minh bạch hóa hơn hoạt động của mình.
 
Đặc biệt, sau khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế tuyên bố đã thu được thông tin liên quan đến hàng chục ngàn tài khoản ngân hàng “có vấn đề” tập trung ở các thiên đường thuế châu Âu, lãnh đạo của 6 quốc gia trên đã thúc giục cơ quan thuế vụ của EU thảo luận với các thành viên về thỏa thuận minh bạch hóa các ngân hàng. Các biện pháp tăng cường tính minh bạch bao gồm yêu cầu ngân hàng của 6 nước này phải cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ của các nước này; trao đổi dữ liệu giữa các ngân hàng và tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế…
 
Tuy nhiên, không dễ gì để Áo, Luxemburg, Thụy Sĩ... chấp nhận từ bỏ truyền thống giữ bí mật của ngành ngân hàng kéo dài suốt 80 năm qua. Nhất là khi Thụy Sĩ đã buộc phải ký với Nga một nghị định thư về việc sửa đổi hiệp định tránh đánh thuế hai lần hồi tháng 9/2011. Theo đó, Thụy Sĩ phải cung cấp cho các cơ quan chức năng ở Moscow thông tin về tài khoản ngân hàng của những đối tượng nghi vấn mang quốc tịch Nga.

Rõ ràng, những sức ép đang dần dồn ép lên hệ thống ngân hàng vốn đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho Áo, Luxemburg, Thụy Sĩ... Và khi các thiên đường thuế truyền thống của châu Âu bị đóng cửa, rất có thể các quốc gia mới nổi ở châu Á sẽ thay những quốc gia trên trở thành hầm trú ẩn của các dòng tiền bẩn từ Eurozone chảy sang. Nếu không có sự phòng bị, châu Á sẽ bị nhấn chìm trong các dòng vốn nóng và gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho kinh tế khu vực.