Chỉ số USD, cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt còn lại, tăng 0,19% lên 93,602 điểm.
So với đồng yen Nhật, USD tăng 0,1% lên 112,314 yen.
Đồng bạc xanh quay đầu tăng trở lại chủ yếu nhờ số liệu kinh tế khả quan và đồng euro bị bán tháo sau khi dự báo lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Đầu phiên giao dịch, đồng USD vẫn bị ảnh hưởng từ đà giảm hôm thứ Năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay, nhưng cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục thấp trong năm 2018. Lạm phát thấp là một mối lo ngại chính đối với FED vì tỷ lệ này cho thấy tốc độ tăng lương vẫn còn chậm.
Tuy nhiên, số liệu ngành bán lẻ và số đơn xin trợ cấp thấp nghiệp ở Mỹ tốt hơn dự báo đã đẩy đồng bạc xanh leo dốc, trong khi đồng euro bắt đầu bị bán tháo.
Tỷ giá euro giảm so với đồng USD sau khi ECB giữ nguyên lãi suất không đổi và nâng dự báo tăng trưởng và lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, dự báo lạm phát của ECB cho năm 2020 thấp hơn so với một số chuyên gia phân tích.
Sau động thái của ECB, đồng euro đảo chiều, giảm mạnh xuống 1,1780 USD.
Lennon Sweeting, chiến lược gia thị trường trưởng tại XE.com, bình luận rằng Chủ tịch ECB Mario Draghi nhận thấy triển vọng tăng trưởng cải thiện đáng kể, nhưng lạm phát thấp không đảm bảo sẽ có sự thay đổi chính sách.
Trong khi đó, tỷ giá bảng Anh so với đồng USD giảm 0,01% xuống còn 1,3437 USD.
Đồng bảng Anh suy yếu do một số nhà đầu tư thất vọng khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giữ quan điểm rằng lãi suất chỉ có thể tăng dần dần dù lạm phát tại nước này đã vượt trên mục tiêu và đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, ghi nhận bước tiến mới.