Lý do được Thủ tướng David Cameron đưa ra cho việc chưa đồng ý tham gia vào hiệp ước nói trên là nhằm đảm bảo quyền lợi của nước Anh, đặc biệt thị trường tài chính trước khả năng phải thắt chặt ngân khố để bảo vệ một đồng tiền mà nước này không phải là thành viên. Tuyên bố này lập tức đã được phản ứng giận dữ từ phía cộng đồng châu Âu.
Tuy nhiên, trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra sáng sớm ngày 10/12 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkorzy đã thông báo về việc 26 thành viên còn lại của EU (trong đó có toàn bộ 17 thành viên của eurozone) đã đồng ý ký vào một hiệp ước thắt chặt tài chính và cung cấp các khoản vay nhằm giải cứu đồng tiền chung đang đứng trên bờ vực đổ vỡ vì khủng hoảng nợ. Theo BBC, kết quả này đạt được sau hơn 10 giờ đàm phán căng thẳng của các nhà lãnh đạo tại Brussels. Cụ thể, kế hoạch do Pháp và Đức vạch ra yêu cầu các thành viên của EU phải giảm mức thâm hụt cơ cấu (thâm hụt ngân sách do các chính sách tùy biến của Chính phủ như thuế, trợ cấp, chi cho giáo dục, quốc phòng…) xuống dưới 0,5% GDP. EU cũng sẽ thắt chặt các quy định về quản lý tài chính ở cấp độ khu vực cũng như từng quốc gia, đồng thời sẽ tự động trừng phạt đối với các thành viên có thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP. Về các gói cứu trợ thành viên, các nước EU cam kết bơm tối đa 500 tỷ euro (tương đương 666 tỷ USD) cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2012. Trước đó, các nước cũng sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ USD thông qua IMF nhằm hỗ trợ các nước thành viên giải quyết khủng hoảng nợ. Hiệp ước chính thức dự kiến sẽ được các bên ký kết tại Bỉ trong ngày hôm nay (10/12).