Ngày 30/11, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), cùng các ngân hàng trung ương của Anh, Nhật Bản, Canada và Thụy Sĩ đã quyết định hạ chi phí cho vay bằng đồng USD đối với các ngân hàng thương mại đang "đói" tiền mặt. Dự kiến, chính sách này sẽ được duy trì tới tháng 2/2013, trong khuôn khổ của nỗ lực chung nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái và bạo động xã hội do cuộc khủng hoảng tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Động thái vừa qua của các ngân hàng trung ương đã giúp niềm tin quay lại trên các thị trường. Và bằng chứng là đồng euro trong phiên giao dịch ngày 30/11 đã vọt lên 1,3533 USD/euro - mức đỉnh của một tuần qua, so với mức 1,33 USD/euro trước khi có thông tin này. Tại Tokyo phiên 1/12, đồng tiền chung châu Âu tiếp tục đi lên, được giao dịch với giá 1,3463 USD/euro và 104,55 yen/euro, so với mức 1,3438 USD/euro và 104,25 yen/euro phiên 30/11 ở New York. Còn tỷ giá USD/yen đứng ở mức 77,67 yen/USD. Các ngân hàng trung ương đã quyết tâm hành động sau khi Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU), Olli Rehn cảnh báo các nhà lãnh đạo của châu lục này chỉ có 10 ngày để cứu đồng euro hoặc phải đối mặt với nguy cơ EU tan rã. Tuy nhiên, National Australia Bank cảnh báo động thái trên của các ngân hàng không làm thay đổi được các vấn đề cơ bản.
Các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone trong phiên họp ngày 29/11 mặc dù nhất trí tăng cường nguồn tài chính cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), song không đưa ra một con số cuối cùng về quy mô của quỹ này, trong khi lại đề cập tới phương án nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ thông qua các khoản vay song phương. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi phiên họp thượng đỉnh của EU vào tuần tới để xem các nhà lãnh đạo châu Âu xử lý cuộc khủng hoảng tài chính như thế nào. Phiên đấu giá trái phiếu của Tây Ban Nha và Pháp vào cuối ngày hôm nay cũng sẽ nằm trong tâm điểm theo dõi của nhà đầu tư. Phiên 1/12, đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng won (Hàn Quốc), SGD (Singapore), TWD (Đài Loan), baht (Thái Lan), rupiah (Indonesia) và peso (Philippines)./.