Đồng hành và dẫn dắt

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, chuyển đổi số, đó là cụm từ được nhắc đến nhiều với báo chí trong thời gian qua, đặc biệt khi nhiều loại hình truyền thông xã hội phát triển nhanh. Do đó, vai trò đồng hành, dẫn dắt, định hướng cho báo chí, người làm báo nâng cao trình độ, trách nhiệm hơn với nghề là một trong những yêu cầu ngày càng được đặt ra với Hội Nhà báo Việt Nam trong một nhiệm kỳ mới, bắt đầu từ các quyết sách tại Đại hội đang diễn ra.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình Đại hội tại phiên trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) ngày 30/12/2021

Tính đến cuối năm 2021, Hội Nhà báo Việt Nam có 27.448 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, TP, 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc. Những thành công trong nhiệm kỳ khóa X vừa qua của Hội đã thể hiện rõ vai trò “ngôi nhà chung” để những người làm báo cả nước được rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt. Sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động Hội thể hiện trên nhiều lĩnh vực, bắt nhịp với những xu hướng mới trong đời sống báo chí; triển khai có hiệu quả các chương trình, tạo hiệu ứng tích cực, toàn diện trong đời sống xã hội…

Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, thời gian qua đã chứng kiến sự bùng nổ của các loại hình báo điện tử và cả mạng xã hội, khiến chưa bao giờ việc lọc thông tin khó như hiện tại. Thông tin giả - thật lẫn lộn. Và cũng chính bởi sự cạnh tranh gay gắt của thông tin, thời gian qua một số cơ quan báo chí vướng không ít “điều tiếng” khi xa rời tôn chỉ mục đích, sa đà vào thông tin “mặt trái”, thiếu tính nhân văn, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật. Điều đó càng đòi hỏi nhiều hơn yêu cầu nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Để chấn chỉnh những điều đó, nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; đồng thời, công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo với các quy định cụ thể về nguyên tắc, chuẩn mực cụ thể những điều cần làm, không được làm trong việc sử dụng mạng xã hội của nhà báo. Đặc biệt, Hội đã đưa vào sử dụng ứng dụng theo dõi việc gỡ bài trên các báo điện tử góp phần quản lý báo chí, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của một số cơ quan báo chí. Tất cả những biện pháp đó đã tạo những chuyển biến mới không chỉ trong hoạt động của Hội mà còn góp phần tích cực chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí, để dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu, chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan; là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm...

Trước một nhiệm kỳ mới, không chỉ các đại biểu mà đông đảo người làm báo mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động, không chỉ động viên, cổ vũ người làm báo hoàn thành tốt trọng trách của mình mà còn cần chú trọng hơn đến công tác chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ người làm báo có tính chiến đấu, có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Đồng thời, với xu hướng báo chí công nghệ và đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc, Hội sẽ đồng hành hơn nữa cùng các cơ quan báo chí thay đổi, nâng cấp chất lượng, xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện; tạo ra phong trào phát huy sáng kiến trong chuyên môn làm báo. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, trình độ để mỗi nhà báo làm chủ được công nghệ hiện đại, trở thành những phóng viên đa năng thích ứng với môi trường truyền thông hiện đại; xây dựng giá trị văn hóa người làm báo hiện đại...

Chắc chắn với chặng đường hơn 70 năm, những kinh nghiệm đã có từ nhiệm kỳ đã qua, Hội sẽ tiếp tục là “mái nhà chung”, là nơi để đồng hành, dẫn dắt báo chí ngày càng phát triển hơn nữa.