Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng loạt tăng giá sữa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư thay thế Thông tư 104 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa.

KTĐT - Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư thay thế Thông tư 104 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa.

Cửa hàng, đại lý, siêu thị bắt đầu lên dây cót khi các hãng sữa gửi thông báo tăng giá bán khoảng 10%, từ 1/1. Như thường lệ, lý do được nhà sản xuất đưa ra là chi phí tốn kém, nguyên liệu tăng cao và biến động tỷ giá...

Hancofood là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết giá bán sữa mới từ 1/1. Một số hãng khác tuyên bố tăng giá từ 9/1, trong đó Abbott tăng 7,4%. Công ty Tiên Tiến, nhà phân phối chính thức sữa Mead Johnson tại Việt Nam, cũng tăng giá các sản phẩm sữa Enfa A+ thêm 7-9%, cùng thời điểm 9/1. Công ty Friesland Campina Việt Nam, nhà sản xuất sữa thương hiệu Cô gái Hà Lan Friso, tăng thêm khoảng 10%, riêng mặt hàng sữa nước tăng 2%.... Lý do được các hãng này giải thích là do chi phí cao, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, biến động tỷ giá...

Ông Lê Việt Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Hanco (Hancofood) cho hay các dòng sản phẩm sữa bột của công ty đã được điều chỉnh tăng khoảng 10% ngay từ ngày đầu năm 2010.

Theo ông Hà, suốt năm 2009, công ty đã cố gắng bình ổn và không tăng giá. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu trên thế giới tại thời điểm hiện nay tăng quá cao. So với đầu năm 2009, giá nguyên liệu sữa hiện giờ tăng hơn 80%, chưa kể, tỷ giá đồng đôla liên tục biến động và lên mức 18.500 đồng đổi 1 USD. "Đây chính là nguyên nhân khiến hãng phải lên kế hoạch điều chỉnh giá bán", ông Hà nói.

Tại TP HCM, hầu hết các cửa hàng, đại lý kinh doanh sữa trên địa bàn đều đã nhận được thông báo điều chỉnh giá bán mới từ các hãng sữa. Theo khảo sát của VnExpress.net, trong ngày 4/1, nhiều đại lý bán sữa và siêu thị trên địa bàn TP HCM đã đồng loạt điều chỉnh giá các loại sữa theo bảng giá mới. Chủ một shop tạp hóa trên đường gần chợ Tân Định, TP HCM cho biết cửa hàng đã điều chỉnh tăng giá một số loại sữa từ ngày 1/1 vì họ vừa nhận được thông báo tăng giá bán từ 5%-10% của hầu hết nhãn hiệu sữa vừa gửi đến.

Tuy nhiên, vẫn có một số đại lý sữa tại TP HCM vẫn giữ giá bán cũ trong ngày hôm nay. Chủ đại lý sữa trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM cho biết, họ vừa được các nhà phân phối “thông báo miệng” sẽ điều chỉnh bảng giá sữa. Tuy nhiên, cửa hàng này vẫn bán với giá cũ, vì chưa nhận được bảng giá chính thức từ các nhà phân phối”.

Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc siêu thị Citimart cho biết, siêu thị cũng đã bắt đầu điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm của thương hiệu Cô gái Hà Lan, Friso, Anfa A+... Theo ông, đây là những sản phẩm siêu thị vừa mới nhập hàng về trong đợt các công ty sữa thông báo tăng giá. Riêng những sản phẩm sữa còn tồn lại của đợt hàng trước, siêu thị vẫn bán với giá cũ.

So với TP HCM, thị trường sữa Hà Nội có vẻ trầm lắng hơn. Theo khảo sát của VnExpress.net tại một số cửa hàng trên phố Đội Cấn, Thái Thịnh, Tây Sơn, Cầu Giấy... không khí mua sắm vẫn diễn ra khá bình thường. Chủ một đại lý kinh doanh sữa phố Đội Cấn cho biết đã nhận được thông báo giá mới từ một số hãng sữa. "Tuy nhiên, do lượng hàng nhập về trước đó vẫn còn nên chúng tôi chưa niêm yết giá bán mới", chị Vân Anh, chủ cửa hàng nói.

Chị Quỳnh chủ đại lý kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát phố Hào Nam, Hà Nội thì cho rằng: "Nước lên thì thuyền lên", các hãng tăng giá thì đại lý, cửa hàng buộc phải niêm yết giá theo. "Chúng tôi là các đơn vị phân phối không có quyền quyết định giá bán. Do vậy, người tiêu dùng sẽ phải tự lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình", chị nói.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Hội Bảo vệ Người tiêu dùng cũng cho rằng trong cơ chế thị trường, giá cả sẽ quyết định rất lớn đến sức mua của khách hàng. Tuy nhiên, nếu các hãng sữa cứ liên tục tăng giá cao sẽ khiến cho khách hàng phải cân nhắc lại trước khi quyết định mua.

Trên thực tế, từ đầu tháng 12/2009, nhiều công ty kinh doanh sữa đã rục rịch tăng giá thêm 5-7%, tùy theo các sản phẩm sữa nước hay sữa bột. Mỗi đợt điều chỉnh, mang tiếng là chỉ vài phần trăm, nhưng với tần suất dày đặc, khi cộng dồn các đợt lại cũng đủ khiến giá sữa VN vào hàng cao nhất thế giới. Cái lý để các hãng sữa vin vào trong các đợt điều chỉnh giá bán là vì biến động tỷ giá, nguyên liệu đầu vào tăng cao...

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết sữa là mặt hàng không thuộc nhóm phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý nên việc tăng giá có hợp lý hay không, Bộ Tài chính cũng chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, ông Thỏa cho rằng đã có dấu hiệu cho thấy các hãng sữa đang tăng giá kiểu "lách" luật. Nghĩa là mỗi lần điều chỉnh họ chỉ tăng dưới 10%, trong khi theo quy định nếu vượt 20%, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu hạ giá bán theo Pháp lệnh Giá. Dù chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, song ông Thỏa cho rằng các hãng cần tiếp tục cắt giảm chi phí để tiến tới điều chỉnh giá thành để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư thay thế Thông tư 104 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa. Khi hướng dẫn mới được ban hành, chuyện doanh nghiệp muốn tăng giá sữa sẽ phải thuyết minh các chi phí vận tải, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh… chứ không thể dễ dàng tăng như hiện nay.

Thông tư số 104 hướng dẫn Nghị định 170 của Chính phủ liên quan đến giá sữa quy định: Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh, các hãng sữa chỉ tăng khoảng 5-7% giá bán và nghiễm nhiên, vẫn nằm dưới mức quy định 20%. Do vậy, chưa khi nào cơ quan quản lý thấy cái sự tăng giá là vô lý để có các biện pháp can thiệp.

Do vậy, cơ quan này đang tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành để sửa đổi các quy định trên theo hướng không phân biệt thời gian tối thiểu 15 ngày và quy định 20% mỗi lần tăng giá bán lẻ mà căn cứ vào chi phí đầu vào. Trong trường hợp các hãng sữa tăng giá bán một cách vô lý, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp yêu cầu giảm giá.