Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động lực mới từ tinh thần khởi nghiệp

TS Hồ Văn Chiểu
Chia sẻ Zalo

Không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ, DN kinh doanh chủ yếu dựa trên "quan hệ".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nhân tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng DN, doanh nhân nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi DN, doanh nhân phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đoàn kết vượt qua các khó khăn thách thức.
Từ Chính phủ kiến tạo, khuyến khích khởi nghiệp
Sau 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước nhiều đổi thay, đội ngũ DN, doanh nhân Việt ngày một trưởng thành. Thống kê mới nhất cho thấy, hiện cả nước có gần 600.000 DN đang hoạt động. Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng hơn, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trên tinh thần Luật DN, Luật Đầu tư mới, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, 9 tháng qua, cả nước đã có hơn 91.000 DN mới thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh. Dự kiến năm 2016 sẽ là năm đầu tiên số lượng DN được thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 DN. Điều này chứng tỏ niềm tin của giới doanh nhân đang được khơi dậy. Bên cạnh đó, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu - một tổ chức có thành viên tham gia từ trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã bình chọn và trao giải Quốc gia khởi nghiệp năm 2016 cho Việt Nam.
Tuy nhiên, con đường phía trước, chặng đường cải cách của cộng đồng DN vẫn còn rất gian nan. Mặc dù số lượng liên tục tăng, nhưng cộng đồng DN trong nước cũng đang đứng trước một thực tế vẫn chưa có nhiều thương hiệu đẳng cấp thế giới, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xét về tổng tài sản, một số DN có quy mô tương đối lớn đã được thế giới vinh danh như: Vinamilk, Viettel, Vingroup… còn chưa nhiều và tầm ảnh hưởng chưa rộng. Trong khi tuyệt đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp còn thấp.
Song, nếu DN, doanh nhân nào còn mang suy nghĩ Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập thì DN, doanh nhân đó đã tự loại mình khỏi “cuộc chơi”. Thực tế Việt Nam hiện đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với 2 “chứng chỉ” là Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 2 hiệp định này cùng với các FTA khác đã thể hiện sự dũng cảm của Chính phủ và các DN, doanh nhân Việt Nam. Bởi Việt Nam đang là nước duy nhất trong khối ASEAN “dám” đối mặt đầy đủ các hạng mục với các nền kinh tế lớn của thế giới.
Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Sau 30 năm đổi mới, đội ngũ DN, doanh nhân Việt đã có sự trưởng thành. Đặc biệt là từ khi chúng ta hội nhập sâu rộng hơn với các nền kinh tế khác trên thế giới. Mặc dù phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh nhưng nếu không có sự chấp nhận cọ xát và hợp tác đó, rất khó để các doanh nhân có thể trưởng thành như ngày nay. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, một thách thức mới đối với cộng đồng DN Việt Nam cũng đang bắt đầu. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức mới đây, lần đầu tiên khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0 gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo...) được đưa ra. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam phải vượt qua được những thách thức kinh tế, xã hội cơ bản này. Và cùng với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng DN Việt Nam tin tưởng cho dù đi sau nhưng vẫn có thể thành công nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, có chương trình hành động cụ thể, kịp thời và triển khai thực thi quyết liệt, hiệu quả. Bởi thực tế thời gian qua, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến khá nhanh khi đạt được thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, đứng ở vị trí số 1 toàn cầu trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm thuê ngoài; đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên Hợp quốc xếp hạng thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, xếp thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư công nghệ cao, với sự có mặt của các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thông tin thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Samsung... Các DN Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT đã được thế giới biết đến và quan trọng là ngày càng có nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này.
Mặc dù để biến những lợi thế thành hiệu quả đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao. Nhưng với phong trào “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” mà Thủ tướng phát động, và những quyết tâm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế đang triển khai mạnh mẽ sẽ là những động lực thiết thực thể hiện sự quyết tâm đồng hành của Chính phủ và ý chí vươn lên của đội ngũ DN, doanh nhân trong thời gian tới.