Đồng minh "chao đảo" trước quyết định của Mỹ về LNG?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cựu quan chức Mỹ cho rằng quyết định dừng xuất khẩu LNG sẽ gây ảnh hưởng tới các đồng minh đã lựa chọn độc lập với năng lượng từ Nga.

Quyết định tạm dừng phê duyệt mới đối với việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vấp phải sự phản đối từ các cựu quan chức ở lưỡng đảng với lý do quyết định này sẽ làm tổn thương các đồng minh của Mỹ và suy yếu vị thế nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới.

Nikkei dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói với Ủy ban Lựa chọn Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc: “Điều tối quan trọng là có thể cung cấp loại nhiên liệu đó… cho các đồng minh của chúng tôi”.

Một con tàu đang cập cảng tại một nhà máy LNG ở Louisiana. Ảnh: Nikkei Asia
Một con tàu đang cập cảng tại một nhà máy LNG ở Louisiana. Ảnh: Nikkei Asia

Cựu Bộ trưởng từng phục vụ dưới thời chính quyền Obama khẳng định, các đồng minh đã lựa chọn độc lập với năng lượng từ Nga do đồng lòng với Mỹ. Ông đang đề cập đến các quốc gia như Nhật Bản đã nhanh chóng lên án Nga sau cuộc tấn công Ukraine và ngừng nhiều hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Moscow.

"Chúng ta phải cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để mang lại cho họ khả năng độc lập với nguồn năng lượng đó”, ông Panetta nhấn mạnh. 

Trong cùng phiên điều trần, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo dưới thời chính quyền Donald Trump nhận định, Mỹ có vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng - có thể tác động đến giá cả bằng cách tăng hoặc giảm nguồn cung.

Mỹ hiện là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Australia và Qatar vào năm ngoái.

Ông Pompeo gọi việc tạm dừng sản xuất hoặc xuất khẩu LNG là “một sai lầm lớn” vì thị trường vốn sẽ ngừng bảo lãnh sản xuất LNG và sẽ có khoảng trống trong sản xuất. Thay vào đó, Mỹ nên tiếp tục sản xuất LNG để duy trì nguồn cung ổn định cho các đối tác, ông Pompeo nói.

Ông Pompeo chỉ ra việc Ả Rập Saudi gia nhập nhóm BRICS trong tháng này và cho rằng sức mạnh của những liên minh do Nga, Trung dẫn dắt có thể mạnh hơn nếu các đồng minh không tin tưởng vào sự sát cánh của Mỹ. 

Quyết định tạm dừng phê duyệt xuất khẩu LNG sang các nước không có hiệp định thương mại tự do đã được Tổng thống Joe Biden công bố trong một tuyên bố hồi tuần trước. Ông trích dẫn những lo ngại về biến đổi khí hậu nhưng lưu ý rằng “cần nhiều hành động hơn” bên cạnh những nỗ lực quản lý, bao gồm đảm bảo một khoản đầu tư lớn về khí hậu và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Trong một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, các dự án xuất khẩu hiện tại hoặc những dự án đang được xây dựng sẽ không bị ảnh hưởng. 5 dự án xuất khẩu LNG lớn đang được xây dựng sẽ tăng gần gấp đôi công suất xuất khẩu LNG của Mỹ vào cuối thập kỷ này. “Tuy nhiên, các dự án được đề xuất đang chờ giấy phép giờ đây sẽ bị dừng vô thời hạn, có thể cho đến năm 2025”.

Quyết định dừng xuất khẩu LNG được coi là chiến thắng cho các nhà hoạt động môi trường. Họ cho rằng sự bùng nổ xuất khẩu LNG không phù hợp với các cam kết về khí hậu của Mỹ và sẽ hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, gây bất lợi cho năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ, BusinessEurope và đối tác Nhật Bản Keidanren đã viết thư cho Tổng thống Biden để phản đối quyết định tạm dừng.

"Với tư cách là tổ chức kinh doanh đại diện cho Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, chúng tôi viết thư để bày tỏ mối quan ngại với thông báo gần đây về việc tạm dừng việc xem xét và phê duyệt của Bộ Năng lượng (DOE) đối với đơn xin cấp phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng theo hiệp định thương mại phi tự do (FTA) các quốc gia", bức thư có đoạn viết.

Trong thư khẳng định, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu LNG của Mỹ để đảm bảo an ninh năng lượng và kỳ vọng Washington xem xét lại quyết định này vì vai trò quan trọng và duy nhất của khí đốt tự nhiên của Mỹ trong việc đáp ứng các mục tiêu an ninh năng lượng quan trọng và Thỏa thuận Paris.