Giáo sư-Tiến sĩ Kinh tế Alexey Fadeev tại Đại học tổng hợp Bách khoa St. Petersburg nhận định Nga có cơ hội giành vị trí dẫn đầu thế giới về LNG và trong trung hạn có thể vượt Qatar, nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới khi tất cả các dự án LNG của Moscow đi vào hoạt động đầy đủ trong 5-10 năm nữa.
"Sản lượng LNG ở Nga ước tính khoảng 33 triệu tấn mỗi năm. Chính phủ Nga đã đặt ra nhiệm vụ tăng gấp đôi sản lượng, trong khi nhiệm vụ chiến lược là sản xuất ít nhất 100 triệu tấn LNG mỗi năm, thậm chí còn cao hơn mức sản xuất LNG của các nước hàng đầu thế giới như Qatar. Đặc biệt, tổng công suất sản xuất LNG tiềm năng của Nga nếu tính đến việc triển khai tất cả các dự án đầy hứa hẹn có thể sẽ đạt khoảng hơn 200 triệu tấn mỗi năm" - chuyên gia Fadeev nhận định với hãng tin Tass hôm 22/1.
Ông Fadeev nhấn mạnh, việc sản xuất LNG luôn đóng vai trò đặc biệt trong ngành năng lượng của Nga, dù nguồn cung khí đốt qua đường ống của Moscow sang Liên minh châu Âu (EU) bị thu hẹp kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Vị chuyên gia cho biết, tổng số dự án LNG ở Nga, bao gồm cả quy mô nhỏ, hiện đã vượt quá con số 70. Theo giáo sư Nga, các dự án này hiện vẫn hoạt động và phát triển dù đang bị các nước phương Tây áp các lệnh trừng phạt.
“Các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với dự án LNG-2 ở Bắc Cực với 16,5 triệu tấn khí đốt mỗi năm do tập đoàn Novatek thực hiện đã được công bố vào cuối năm 2023. Các cổ đông nước ngoài đã rút lui, nhưng điều đó không có nghĩa là dự án sẽ không được thực hiện. Novatek có thể sẽ điều chỉnh lại chiến lược bán LNG và dù có chậm trễ, nhưng dự án sẽ sớm đưa vào hoạt động"- ông Fadeyev cho hay.
Theo chuyên gia Fadeev, Artic LNG 2 không phải là dự án đầu tiên của Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Các biện pháp hạn chế đầu tiên vào năm 2014 đã cấm chuyển giao công nghệ và cung cấp thiết bị thăm dò và sản xuất hydrocarbon ở Bắc Cực, buộc Nga phải theo đuổi chính sách công nghệ của riêng mình, hình thành và phát triển chiến lược thay thế hàng nhập khẩu để tránh phụ thuộc vào thiết bị và công nghệ nước ngoài sớm nhất có thể. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận cũng tạo thêm cơ hội để phát triển thị trường vật tư cho ngành dầu khí Nga.
Nga có thể tăng xuất khẩu LNG thêm 15% trong năm 2024
Chuyên gia Andrey Ryabov thuộc Trung tâm phân tích nhiên liệu và năng lượng Nga mới đây dự báo thị phần của Nga trong sản xuất LNG trên toàn cầu sẽ vượt 9% trong năm 2024. Với việc triển khai dự án LNG 2 ở Bắc Cực, xuất khẩu LNG của nước này sẽ tăng khoảng 15%, tương đương 5 triệu tấn.
Chuyên gia Ryabov nhận định thị trường LNG sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Sản xuất và xuất khẩu LNG trên toàn cầu có thể tăng khoảng 3% so với năm 2023 lên khoảng 420 triệu tấn. Các nước xuất khẩu LNG lớn nhất sẽ duy trì vị thế trên thị trường, trong đó xu hướng tăng mạnh sản lượng sẽ tập trung ở Nga và Mỹ.
Theo ông Ryabov, trong năm 2024, nhà sản xuất khí đốt độc lập của Nga có kế hoạch khởi động giai đoạn đầu tiên của nhà máy LNG-2 ở Bắc Cực (với sản lượng dự kiến 6,6 triệu tấn mỗi năm). Chuyên gia này tin rằng đến cuối năm 2024, xuất khẩu LNG có thể tăng lên 38 triệu tấn mỗi năm.
Bên cạnh đó, chuyên gia Ryabov nhấn mạnh trong năm nay, sẽ có thêm một số quốc gia mới gia nhập thị trường LNG toàn cầu như Congo, Mexico, Senegal và Mauritania. Ông ước tính các nhà sản xuất mới này sẽ bổ sung khoảng 3 triệu tấn LNG cho thị trường.
Theo dự báo của trung tâm phân tích nhiên liệu và năng lượng Nga, trong năm 2024, Mỹ sẽ tăng xuất khẩu LNG ngang bằng với Nga, thêm 4 - 5 triệu tấn mỗi năm, lên khoảng 90 triệu tấn thông qua việc duy trì công suất cao. Trong khi đó, Qatar và Australia sẽ duy trì nguồn cung khí đốt ở mức như năm ngoái, khoảng 79 - 80 triệu tấn mỗi nước.