Đồng Nai: Số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh mỗi ngày, ngành y tế nói gì?

TRƯƠNG HIỆU
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong 7 ngày qua (tính từ ngày 31/10 đến ngày 7/11/2021) số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang tăng mạnh. Điều này khiến cho cộng đồng xã hội không khỏi lo ngại về việc dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Ngành y tế Đồng Nai nói gì về vấn đề này?

Đồng Nai trung bình 957 ca nhiễm/ngày
Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, trong 7 ngày qua, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 6.705 ca mắc mới (trung bình 957 ca/ngày), tăng 50% so với 7 ngày trước đó (4.458 ca). Trong đó, ghi nhận 1.313 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (tăng 12%), 1.718 ca nhiễm trong khu phong tỏa (tăng 132%).
 Điều trị hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai
Tỉnh Đồng Nai ghi nhận 28 trường hợp tử vong trong 7 ngày qua. Trong tuần các ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng mạnh với trung bình 187 ca/ngày (so với giai đoạn giãn cách xã hội thực hiện Chỉ thị 15 là khoảng 5 đến 10 ca/ngày).
Các ổ dịch cộng đồng có nguồn lây đa phần liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất và người về từ vùng có dịch, tạo thành nhiều ổ dịch lây nhiễm thứ phát rải rác trong cộng đồng. Dự kiến tiếp tục ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng trong thời gian tới nguồn lây chủ yếu ở các địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở sản xuất, khu nhà trọ.
Tuy nhiên với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao cũng góp phần đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và diễn biến nặng của bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc mới trong vòng 14 ngày qua giảm đáng kể 48% so với 7 ngày trước đó. Nhóm đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng đã bắt đầu được triển khai tiêm ngừa để tạo sự bảo vệ tốt nhất trước khi đến trường hợp tập trung trở lại.
Hiện tỉnh Đồng Nai đang triển khai việc cách ly theo dõi  F0, F1 tại nhà trên địa bàn toàn tỉnh, giải thể một phần các cơ sở cách ly tập trung (chủ yếu là các cơ sở giáo dục). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tiêm 4,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong đó có trên 2,6 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều (chiếm tỉ lệ 100%), trong đó có trên 1,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều (chiếm tỉ lệ 76%).
Số ca F0 tăng là chuyện không bất thường…
Trước thực trạng số ca mắc trên địa bàn tỉnh đang tăng mạnh trở lại, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho rằng, hiện nay toàn bộ các trường hợp test nhanh dương tính ở Đồng Nai vẫn làm xét nghiệm PCR và báo lên hệ thống, do đó số ca của Đồng Nai vẫn neo ở mức cao trong suốt thời gian qua.
Trong khi đó, người dân tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương chỉ cần test nhanh 2 lần dương tính virus SARS-CoV-2 thì được công nhận là F0 và tiến hành cách ly, điều trị tại nhà mà không làm PCR. Như vậy đồng nghĩa với việc không báo lên hệ thống nên số ca giảm.Với việc "mở cửa" như vậy, số ca mắc Covid-19 của Đồng Nai tăng là chuyện không bất thường”, ông Phan Huy Anh Vũ nói.
Cũng theo ông Phan Huy Anh Vũ, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân nhằm sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, phải tiếp tục tuân thủ nghiêm quy định "5K" của Bộ Y tế bởi virus này thay đổi liên tục, thực hiện "5K" sẽ hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện ngành y tế tỉnh đã xây dựng quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.
Khi phát hiện ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, các sở, ban, ngành, địa phương kích hoạt các biện pháp xử lý ổ dịch thần tốc, ngăn chặn tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Thực hiện phong tỏa diện hẹp, quản lý nghiêm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chặt ngoài, lỏng trong.
Tổ chức tốt việc khoanh vùng, theo dõi, điều trị…
Ngày 8/11, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô Thị về quy định cách tính số ca F0 có sự khác nhau giữa các địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, có sự khác nhau giữa cách tính F0 ở TP Hồ Chí Minh và địa phương khác. “Ở TP Hồ Chí Minh khi bệnh nhân test nhanh và dương tính thì có thể cho cách ly tại nhà. Chỉ khi nào bệnh nhân được đưa vào cách ly tập trung mới phải làm PCR. Thực ra chỉ có TP Hồ Chí Minh mới có văn bản cho phép áp dụng quy định như vậy. Còn nếu tỉnh Đồng Nai muốn áp dụng như TP Hồ Chí Minh thì phải có văn bản báo cáo về Bộ Y tế”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.
Vấn đề đặt ra, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương “mở cửa” để đi vào tái hoạt động sản xuất kinh tế-xã hội trở lại, từ cuối tháng 10/2021 đến nay mỗi ngày mỗi địa phương ghi nhận số ca F0 dao động ở mức trên dưới 1.000 ca, như vậy theo Bộ Y tế các địa phương này đang ở mức nguy phát sinh dịch Covid-19 trở lại như thế nào?
Ông Nguyễn Trường Sơn nói: “Hiện các địa phương thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Một số địa phương có số lượng ca F0 tăng trở lại. Tuy nhiên, khi số lượng F0 tăng và các địa phương  tổ chức tốt việc khoanh vùng, theo dõi, điều trị tại cơ sở… thì có thể vẫn kiểm soát được".