Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đông Nam Á: Hệ lụy không ngờ từ tăng lương tối thiểu

Hương Thảo (Nikkei Asian Review)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau niềm vui được tăng lương của lao động sở tại có thể là những doanh nghiệp khóc ròng và sự tháo chạy của loạt đầu tư nước ngoài.

Mức lương tối thiểu ở nhiều quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) đang tăng mạnh khi chính phủ các nước cố gắng làm hài lòng người dân, tuy nhiên xu hướng này có thể hạn chế đáng kể nguồn đầu tư nước ngoài khi khu vực này đánh mất lợi thế như một trung tâm sản xuất giá rẻ.

Tại Campuchia, nơi ngành công nghiệp dệt chiếm 60% sản lượng xuất khẩu, công ty sản xuất tóc giả Nhật Bản Artnature vào năm ngoái đã buộc phải bán một nhà máy mới chỉ 3 năm tuổi của mình cho một doanh nghiệp Hong Kong, Trung Quốc. Chi phí lao động gia tăng được cho là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định này.
Mức lương tối thiểu của Campuchia, xác định lương của nhiều công nhân may mặc, đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Reuters
Mức lương tối thiểu hàng tháng của chính phủ Thủ tướng Hun Sen - thường áp dụng cho ngành nghề dệt may - là 170 USD trong năm nay, tăng 11,1% so với năm ngoái và gần gấp ba lần mức năm 2012. Đảng Nhân dân Campuchia, kiểm soát quốc hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 2 và tháng 7 năm nay, đang thúc đẩy việc tăng lương nhằm lấy lòng của công chúng.

Ông Hun Sen hồi tháng 3 còn khẳng định rằng mức lương tối thiểu của nước này sẽ tăng lên 250 USD/tháng vào năm 2023, soán “ngôi vương” hiện tại về mức lương của Malaysia - một trong những nền kinh tế mạnh mẽ nhất nhì ĐNA.

Mức lương tối thiểu của Myanmar thì đã tăng 33% kể từ tháng 5, ở mức khoảng 3 USD cho một ngày làm việc 8 tiếng. Theo Chủ tịch Hiệp hội sản xuất hàng may mặc Myanmar Myint Soe, khoảng 10/550 xưởng may mặc của nước này đã phải đóng cửa vì những lý do bao gồm chi phí lao động cao, bởi 70-80% lao động nước này đang tham gia hoạt động may gia công cho các thương hiệu may mặc của nước ngoài.

Thực tế này được cho là xuất phát kể từ khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, do Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đứng đầu, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 2020 bằng các mục tiêu nâng cao mức sống người dân, nhưng đôi khi lại theo một cách khá khiên cưỡng. Ông Myint đã bày tỏ lo lắng về năng suất thấp tại các nhà máy, đồng thời cảnh báo rằng việc tăng lương nhân công liên tục sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của Myanmar trong việc trở thành một trung tâm sản xuất.

Mức lương tối thiểu cao hơn làm tăng sức mua của người tiêu dùng, nhưng việc tăng thu nhập vượt quá mức tăng trưởng kinh tế và giá cả có thể bóp nghẹt lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động ở những quốc gia này, khiến xu hướng đầu tư vào đây trở nên ít đi. Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức ngoại thương Nhật Bản về các công ty Nhật Bản hoạt động ở Châu Á và Châu Đại Dương thì 40% số đại diện được hỏi cho rằng lợi nhuận hoạt động giảm trong năm 2018 đã cho thấy chi phí lao động đóng một vai trò quan trọng.

"Tiền lương đang tăng lên trong khi cải thiện năng suất lại đang bị bỏ quên", ông Shinsuke Goto đến từ Trust Venture Partners - một cơ quan giúp các doanh nghiệp thiết lập chi nhánh ở Myanmar nói.

Khi lãi suất ở Mỹ tăng, đồng tiền quốc nội của các nền kinh tế mới nổi trở nên suy yếu, bởi vậy người dân ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu như Myanmar đang yêu cầu trả lương cao hơn để đối phó với chi phí gia tăng từng ngày của nhu yếu phẩm.

Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, cũng đang phải đối mặt với một tình huống tương tự. Quốc gia này đã tăng mức lương tối thiểu 22%, lên khoảng 130 USD/tháng trong năm nay, gấp 3 lần mức năm 2012, khi tiền mất giá đẩy giá các sản phẩm nhập khẩu tăng cao.

Malaysia được dự kiến sẽ tăng lương tối thiểu trên toàn quốc vào tháng 1 năm tới, theo đúng lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Mahathir Mohamad. Và nếu chính phủ tuân theo kế hoạch đặt ra trong tuyên bố của liên minh cầm quyền, mức lương của nước này sẽ tăng 43% trong vòng 5 năm.

Trước thực trạng này, chuyên gia Koji Kobayashi thuộc Viện nghiên cứu Mizuho đưa ra nhận định đáng lưu ý: “Đầu tư vào các lĩnh vực quá phụ thuộc vào nguồn lực lao động sẽ dần dần biến mất”.