Đông Nam Á "ho", chuỗi cung ứng toàn cầu lo

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn sản xuất ở Đông Nam Á lúc này có khả năng định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Liệu các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, có thể duy trì sức hấp dẫn của mình?

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, KCN Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Sản xuất suy giảm

Trong vài thập kỷ qua, Đông Nam Á nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia trở thành những trung tâm sản xuất lớn. Đây hiện là khu vực sản xuất chính cho ô tô, máy tính, điện tử và hàng may mặc.

Tuy nhiên, khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát trở lại của dịch bệnh trong những tháng gần đây, phần lớn được cho là do biến thể Delta rất dễ lây lan. Những biện pháp phong tỏa, hạn chế chặt chẽ hơn để kiểm soát sự lây lan của virus đã khiến các nhà máy ở nhiều quốc gia Đông Nam Á phải đóng cửa. Hoạt động sản xuất trên toàn khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và “vẫn trong tình trạng suy thoái trong suốt tháng 8” - theo một cuộc khảo sát với khoảng 2.100 nhà máy.

Theo hãng thống kê IHS Markit - có trụ sở tại London, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của khu vực “vẫn vững chắc trong vùng suy giảm”, ở mức 44,5 do “các trường hợp Covid-19 gia tăng và các biện pháp phong tỏa”. Tháng 8 là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số PMI của Đông Nam Á ở dưới mức 50 - mức suy giảm. Nhà kinh tế Lewis Cooper của IHS Markit nói với hãng thông tấn Đức DPA: “Tốc độ giảm nhanh nhất được ghi nhận ở Myanmar, Việt Nam và Malaysia”.

Sự sụt giảm năng lực sản xuất, đặc biệt là ở các nước như Thái Lan và Việt Nam, được cho đã ảnh hưởng đến chuỗi giá trị toàn cầu. Theo tờ DW của Đức, nhiều công ty tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ khu vực cho biết họ đã phải đối mặt với sự gián đoạn chưa từng có trong năm nay do bùng phát Covid-19 và tình trạng thiếu container.

“Với vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong khâu lắp ráp cuối cùng của thiết bị điện tử, dịch bệnh bùng phát tại đây đã tác động rõ rệt tới các mặt hàng liên quan đến viễn thông”, Sian Fenner, nhà kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economics, nói với DW.

Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit, cho biết, ngay cả các tập đoàn lớn như Samsung và Toyota cũng phải đối mặt với những thách thức về sản xuất tại khu vực. Samsung đã cố gắng giảm thiểu sự gián đoạn bằng cách chuyển sản xuất sang các bộ phận khác trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của họ, nhưng Toyota buộc phải tạm dừng một số dây chuyền lắp ráp ô tô do sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở các trung tâm sản xuất Đông Nam Á.

DW nhấn mạnh, để tránh gián đoạn sản xuất, Việt Nam đã và đang tạo điều kiện để các nhà máy tiếp tục mở cửa nếu họ áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt, bao gồm cung cấp chỗ ở tại chỗ hoặc hình thức vận chuyển cho người lao động để tránh lây nhiễm virus. Nhưng trong trường hợp của Thái Lan, một cuộc di cư của lao động nhập cư kể từ đầu đại dịch đang dẫn đến tình trạng thiếu lao động. “Điều này đang tác động đến lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động, đặc biệt là thực phẩm, dệt may và một số nhà sản xuất cao su”, ông Fenner nói.

Do đó, ông Biswas nhận định: “Các biện pháp ngăn chặn nên được thực hiện. Trong đó ưu tiên tiêm phòng cho người lao động trong các ngành công nghiệp quan trọng, gồm sản xuất, hậu cần và cảng, cũng như thiết lập các khu ở và làm việc an toàn tại chỗ cho công nhân để giảm thiểu rủi ro bùng phát Covid-19 trong các nhà máy”.
Nhà máy của Samsung tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Ảnh: Bloomberg. 
Khó khăn sẽ qua đi?

Chuyên gia Fenner cho biết, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực giá cả có thể bắt đầu giảm bớt vào đầu năm tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sự gián đoạn có thể sẽ kéo dài hơn trong một số lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, tác động tiêu cực đến ngành sản xuất ô tô. Hôm 2/9 vừa qua, nhà sản xuất ô tô Ford thông báo rằng nhà máy của họ ở TP Cologne của Đức sẽ tạm dừng sản xuất mẫu xe Fiesta vì tình trạng thiếu chất bán dẫn thường được lấy từ các nhà máy ở Malaysia - nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

“Mặc dù chúng tôi hy vọng quý II/2021 sẽ ghi nhận đỉnh điểm của sự gián đoạn này, nhưng thực tế phải mất vài quý nữa để tình hình có thể được khôi phục lại hoàn toàn”, ông Fenner nói.

Sự gián đoạn lớn do Covid-19 được cho cũng đang thúc đẩy việc xem xét mở rộng và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. Việc có quá nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như điện tử và sản xuất dệt may chỉ tập trung ở một vài nơi đã gây hại cho nhiều DN. “Điều này sẽ cải thiện sự đa dạng hóa toàn cầu của chuỗi cung ứng cũng như tăng năng lực sản xuất trong nước trong các phân khúc công nghiệp quan trọng, như thiết bị y tế, sản xuất vaccine và sản xuất thiết bị điện tử quan trọng, đặc biệt là chất bán dẫn”, chuyên gia Biswas của IHS Markit nêu quan điểm.

Tuy nhiên, chuyên gia Fenner của Oxford Economics, đánh giá: “Sự gián đoạn lúc này có thể dẫn đến đa dạng hóa hơn, nhưng chúng tôi tin rằng việc thu hút vốn sẽ bị hạn chế và châu Á sẽ vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với FDI, đặc biệt là tại Việt Nam, với sự năng động của thị trường lao động, nhu cầu tiêu dùng trong khu vực tăng và thuận lợi trở lại”.

Tầm quan trọng của sản xuất Việt Nam cũng được cho là một trong những lý do thúc đẩy các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ưu tiên hỗ trợ vaccine Covid-19 thời gian qua cho Việt Nam - đối tác thương mại lớn nhất của khối ở Đông Nam Á. DW ước tính, các quốc gia EU đã tài trợ hoặc cam kết cung cấp tổng cộng 2,6 triệu liều vaccine cho Việt Nam.
DW dẫn lời bà Thu Le (Viện Chính sách Chiến lược Australia) lưu ý rằng, các công ty Mỹ bao gồm Nike, Adidas và Apple, có chuỗi cung ứng tại Việt Nam đã lên tiếng vận động Chính phủ Washington hỗ trợ vaccine hơn nữa cho Việt Nam. Đến nay, Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam tổng cộng 6 triệu liều vaccine Covid-19.